Virus gây dịch đường hô hấp nguy hiểm như thế nào?

Liên Châu
Liên Châu
06/12/2023 10:23 GMT+7

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, Covid-19 do virus tại nhiều quốc gia...

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian gần đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, Covid-19 do virus tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...

Bệnh đường hô hấp gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo nguy cơ bùng dịch

Tại Malaysia, Singapore số mắc Covid-19 tăng từ 50 - 100% so với tuần trước đó, hầu hết có triệu chứng nhẹ, nhận định bệnh gia tăng do các yếu tố như mùa du lịch cuối năm và việc giảm khả năng miễn dịch của người dân.

Tại Campuchia, ghi nhận thêm 1 ca mắc cúm A/H5N1 ở người trong tháng 11. Năm 2023, Campuchia đã ghi nhận 6 ca mắc A/H5N1 ở người, trong đó có 3 ca tử vong.

Virus gây dịch đường hô hấp nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Adenovirus và một số tác nhân khác gây bệnh hô hấp có thể gây biến chứng lâu dài

BỆNH VIỆN NHI T.Ư

Tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nhận định, nguyên nhân chính là do đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường.

Kết quả giám sát đã ghi nhận các tác nhân được phát hiện chủ yếu là virus cúm; ngoài ra còn có rhinovirus, mycoplasma pneumoniae, vi rút hợp bào hô hấp, adenovirus...

Virus lây lan nhanh

Liên quan đến các virus gây bệnh hô hấp, viêm phổi ghi nhận tại các nước gần Việt Nam, thông tin từ một số bệnh viện có chuyên khoa nhi cho biết, các tác nhân gây bệnh hô hấp nêu trên đều tìm thấy tại Việt Nam, trong đó, virus hợp bào hô hấp (RSV) có khả năng lây lan cao, đồng thời cũng là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi.

Ước tính 60% trẻ nhiễm trước 1 tuổi và có đến 80% trẻ đã nhiễm RSV khi được 2 tuổi.

Thông thường RSV sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, gây viêm niêm mạc đường hô hấp, khiến dịch đờm mũi tiết nhiều, đặc quánh dẫn đến bít tắc đường thở nguy cơ suy hô hấp. Sau khi virus xâm nhập vào tiểu phế quản gây các triệu chứng khò khè, thở nhanh, khó thở.

Các trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh cho RSV cần được chăm sóc và điều trị đúng cách để hạn chế các biến chứng nặng của bệnh như suy hô hấp cấp tính hoặc sự tắc nghẽn lâu dài lên đường thở (viêm tiểu phế quản bít tắc)…

Trong 3 tháng đầu năm nay, tại Bệnh viện Nhi T.Ư ghi nhận hơn 1.000 trường hợp nhiễm RSV.

Virus gây bệnh tại nhiều cơ quan trong cơ thể

Với adenovirus, trong năm 2022, Bệnh viện Nhi T.Ư ghi nhận 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm adenovirus với hàng trăm ca mắc (ghi nhận trong 9 tháng).

Năm 2023, cả ngàn ca bệnh đau mắt đỏ ghi nhận tại các bệnh viện trong nước, adenovirus được cho là nguyên nhân của nhiều ca đau mắt đỏ phải đến khám, điều trị.

Adenovirus có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang…

Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém. 

Virus này có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.