Vĩnh biệt nhà văn Anh Động, người miền Tây có duyên kể chuyện Bác Ba Phi

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
22/06/2021 17:59 GMT+7

Tin nhà văn Anh Động qua đời được con gái ông là nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai đưa lên trang cá nhân, nghẹn ngào: "Tiễn biệt cha - ngủ ngon, sẽ bình yên, sẽ không còn đau nữa. Cha vẫn ở bên mẹ và tụi con mỗi ngày”.

Nhà văn Anh Động tên thật là Nguyễn Việt Tùng. Ông sinh ngày 20.10.1941 ở Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và thường trú tại số nhà 23 Trương Định, TP. Rạch Giá, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Không chỉ "văn hay chữ tốt”, ông còn là một chiến sĩ dũng cảm, gan dạ trong các trận chiến đấu với quân thù. Khi nước nhà thống nhất, nhà văn Anh Động tham gia công tác quản lý và từng giữ chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang. Nhà văn có nhiều tác phẩm dành cho vùng đất miền Tây thương mến của mình như: Ven rừng tràm, Bóng núi Tô Châu, Dòng sông lấp lánh.

Nhà văn Anh Động nổi tiếng với những câu chuyện về Bác Ba Phi

Ảnh: T.L

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân cho biết: “Nhà văn Anh Động là một trong rất ít người cầm bút của miền Tây Nam bộ được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Miền Tây lúc đó, người từ bưng biền kháng chiến viết văn làm thơ chưa đếm đủ trên đầu ngón tay: Nguyễn Bá, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Anh Động.Trong số người theo nghiệp văn chương, có lẽ nhà văn Anh Động là người phải nỗ lực, phải "chiến đấu" với trang viết gian nan nhất. Bởi, vốn chữ nghĩa được học hành bài bản của ông quá ít. Ông mới học xong tiểu học và rời gia đình tham gia kháng chiến. Ông tự học, tự mày mò, tự vượt lên, tự khẳng định mình, khẳng định vị trí văn chương ở một vùng đất mà đờn ca tài tử chiếm ưu thế so với các loại hình nghệ thuật khác”.
Chia sẻ những kỷ niệm về một người miền Tây có duyên kể chuyện bác Ba Phi, nữ văn sĩ Bích Ngân kể: “Trong số những nhà văn nhà thơ thành danh từ vùng đất U Minh và cũng là đàn em, gọi ba tôi là "anh út" hay "anh Út Nghệ", thì chú Sáu Động (chị em tôi thường gọi "Chú Sáu") luôn dành tình cảm đặc biệt đối với ba tôi. Khi tìm kiếm lại bài viết và tư liệu để in quyển sách Ngày ấy đã lùi xa, quyển sách cuối cùng của ba tôi, tôi gặp một xấp thư dày của người thân, bè bạn gởi cho ba tôi. Trong số thư đó, nhiều lá thư đã ố vàng, nhiều lá thư được viết trong lúc tạm yên giữa khói lửa chiến tranh, là của nhà văn Anh Động. Nhiều lá thư dày kín nhiều trang".

Chân dung nhà văn Anh Động

Ảnh: T.L

Trên trang cá nhân của mình, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn viết: “Dù chưa từng được đào tạo qua một trường lớp nào, nhưng nhà văn Anh Động chính là người có công văn bản hóa hình tượng lão nông Nam bộ hài hước Bác Ba Phi lừng lẫy trong đời sống tinh thần của người dân sông nước Cửu Long nói riêng và người dân cả nước nói chung. Từ những câu chuyện truyền tụng trong dân gian của nguyên mẫu Nguyễn Long Phi (1884-1964) ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nhà văn Anh Động đã viết Kể chuyện Bác Ba Phi xuất bản lần đầu tiên năm 1995 và nhanh chóng lan tỏa khắp nơi”.
Nói về sự sáng tạo nhân vật Bác Ba Phi nổi tiếng của nhà văn Anh Động, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Bằng chứng là ngoài Bác Ba Phi có thật, nhà văn Anh Động còn sáng tạo thêm nhân vật thằng Đậu cho có ông có cháu, rồi từ đó công chúng lại sáng tạo thêm nhân vật quyến rũ không kém là vợ thằng Đậu. Ngay cả nhà văn Anh Động cũng không biết “vợ thằng Đậu” mồm ngang mũi dọc thế nào, nhưng cái câu “tệ hơn vợ thằng Đậu” được dùng phổ biến để nói về một phụ nữ hậu đậu, lười nhát.Từ ngày nghỉ hưu, nhà văn Anh Động bán căn nhà ở trung tâm TP. Rạch Giá và chuyển ra cư ngụ ở khu vực ngoại ô. Tư gia của nhà văn Anh Động gần sân vận động Rạch Sỏi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói của cháu con”.
Vậy mà kể từ hôm nay, nhà văn Anh Động - người cha kính yêu và thân thương nhất thường được con gái Diệp Mai gọi bằng 3 chữ "cây di sản”, đã lặng lẽ rời xa dương thế, để lại cho đời những câu chuyện kể về Bác Ba Phi nổi tiếng của miền sông Tây nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.