Vĩnh biệt 'anh Ba' - nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
27/07/2023 06:02 GMT+7

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã qua đời vào sáng 26.7 tại TP.HCM, hưởng thọ 81 tuổi. Sự ra đi của "anh Ba" đã để lại nhiều khoảng trống trong lòng giới âm nhạc cả nước, nhất là những hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM và Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Năm 1977, chỉ 2 năm sau ngày đất nước thống nhất, người viết tham gia lực lượng TNXP. Đơn vị tôi đóng quân giữa rừng, ngày lao động, đêm về sinh hoạt lửa trại. Lần đầu tiên chúng tôi biết đến những ca khúc được sáng tác trong phong trào đấu tranh đô thị, và rồi những đêm bên đống lửa bập bùng giữa rừng sâu, chúng tôi đã hát: Hát cho dân tôi nghe, Đồng lúa reo (Tôn Thất Lập), Tình đất đỏ miền đông (Trần Long Ẩn), Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Không ai ngăn nổi lời ca (La Hữu Vang), Thuyền em đi trong đêm (Nguyễn Phú Yên)… Bài Hát cho dân tôi nghe của nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã tạo thành một làn sóng cuồn cuộn, trở thành một phong trào với tên gọi "Hát cho đồng bào tôi nghe" của phong trào đấu tranh đô thị.

  Vĩnh biệt 'anh Ba' - nhạc sĩ Tôn Thất Lập - Ảnh 2.

Hàng đầu: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (đeo kính) và nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”

TƯ LIỆU

Tôi đặc biệt thích bài Đồng lúa reo của ông bởi ca từ chất chứa tình yêu quê hương và giàu hình tượng: "Đồng lúa như tay người mẹ già, mười mấу năm dang rộng một nhà, che nghiêng nghiêng anh nằm giữ nước, trong mưa bom haу nắng đạn ngập trời… Mai ta đi thăm lúa thăm đồng, nghe chân quen câу lá rộn lòng, vạn chồi non đơm bông. Mai ta đi thăm lúa trên rừng, đêm liên hoan đốt lá bập bùng, chị cười tươi như bông…". Không ngờ nhạc "đấu tranh" mà lại "mềm" đến thế!

Nhưng… nhạc của Tôn Thất Lập không chỉ có "đấu tranh". Từ giữa thập niên 1960, ông đã từng viết ca khúc Tiếng hát về khuya dành tặng cho nữ ca sĩ Thanh Thúy (hiện sống ở nước ngoài): "Đêm đêm tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em, trút hơi sau cùng giải thoát nhân gian…". Bài hát có ca từ đẹp, đã ăn sâu vào tâm hồn bao thế hệ người yêu nhạc. Khi nghe ca sĩ Thanh Thúy hát bài này, Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã nhận xét: "Giọng hát trầm buồn với khuôn mặt xa vắng khiến khán giả như bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi…". Tiếng hát về khuya đã trở thành một tuyệt tác và có chỗ đứng trong lòng khán giả. Còn nhớ trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 6 do Báo Thanh Niên tổ chức (năm 1998), ca sĩ Khánh Du đã trình bày rất thành công ca khúc này. Rồi trong thập niên 1980, nhạc Tôn Thất Lập đầy chất pop rock sôi động trong Trị An âm vang mùa xuân hoặc dìu dặt, tha thiết trong Tình ca mùa xuân…

Sau này, đi làm báo, được phân công viết mảng văn hóa nghệ thuật, tôi thường xuyên được gặp nhạc sĩ Tôn Thất Lập ở 81 Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM), nơi đặt văn phòng phía nam của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (mà ông là Phó chủ tịch), nơi đây cũng là trụ sở của Hội Âm nhạc TP.HCM (mà bạn thân của ông, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, đang là Chủ tịch hội). Tất cả chúng tôi, những người xem địa chỉ 81 Trần Quốc Thảo là mái nhà chung, đều trân trọng gọi nhạc sĩ Tôn Thất Lập là "anh Ba" và nhạc sĩ Trần Long Ẩn là "anh Năm". Chúng tôi đã từng được cùng "anh Ba", "anh Năm" rong ruổi trong những chuyến đi thực tế sáng tác ở Đắk Lắk, Cần Giờ… "Anh Ba" Tôn Thất Lập lúc nào cũng tươi cười, hòa nhã với anh em bằng một giọng Huế ôn tồn nhỏ nhẹ.

  Vĩnh biệt 'anh Ba' - nhạc sĩ Tôn Thất Lập - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942 tại Đà Nẵng (gốc Huế), thuở nhỏ ông học tiểu học ở Trường Dục Anh (Tam Kỳ, Quảng Nam), sau đó mới về Huế học tiếp. Tuổi thiếu niên, Tôn Thất Lập đã có sáng tác đầu tay, đó là bài Một dòng sông, bài hát lấy cảm hứng từ các bài valse nước ngoài nổi tiếng. Bài hát này từng được một ca sĩ thời ấy tên là Dạ Ái hát trên Đài phát thanh Huế. Sau này, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã chỉnh sửa bài này thành bài Lời ca trên miền biển cả và được danh ca Thái Thanh trình bày.

Sau khi hoạt động trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe", Tôn Thất Lập sang Pháp năm 1974. Tại Paris, Tôn Thất Lập đã được Hội Sinh viên sáng tác Hải ngoại xuất bản tuyển tập Những cánh chim từ vùng lửa đỏ.

Lễ viếng nhạc sĩ Tôn Thất Lập bắt đầu từ 9 giờ ngày 28.7, tại Nhà tang lễ quốc gia phía nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Lễ truy điệu vào lúc 6 giờ ngày 30.7.2023.

Sau 1975, ông về nước, công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM và từng kinh qua các chức vụ: Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM (khóa 3, 4); Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM (khóa 5), Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Âm nhạc TP.HCM (khóa 6). Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (các khóa 3, 4, 5, 6 và 7), Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 (2007). Ông có nhiều tuyển tập đã xuất bản như: Phố ca, Hát cho dân tôi nghe, Hát lời chiêm bao, Tình ca mùa xuân, Tuyển tập Tôn Thất Lập và các album Nụ hôn, Tình ca mùa xuân... Ngoài ra ông còn viết nhiều nhạc múa, nhạc phim.

NSƯT Thế Hiển đang ở Cần Thơ, nghe tin nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời liền tức tốc về TP.HCM để kịp từ biệt "anh Ba". NSƯT Thế Hiển kể: "Anh Ba Lập rất hiền từ, cả đời tôi chưa thấy anh giận ai bao giờ cả. Trong những chuyến đi thực tế sáng tác, anh luôn chăm chút, nhắc nhở động viên các thế hệ đàn em. Anh có một người con gái đang theo học bậc cao học ở nước ngoài thì bị tai nạn và qua đời. Từ đó, tôi thấy anh ưu tư hẳn đi…".

Chúng tôi, những thế hệ đàn em rất trân trọng và yêu kính "anh Ba", xin được nghiêng mình tiễn biệt anh. Mong anh thanh thản ra đi… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.