Vietnam Airlines sẽ bán máy bay 'cứu' tình trạng lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu

Anh Vũ
Anh Vũ
14/06/2022 08:46 GMT+7

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã HVN) vừa có báo cáo giải trình liên quan đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.

Cụ thể, theo Vietnam Airlines, nguyên nhân cổ phiếu HVN bị Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện kiểm soát do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Kết quả hoạt động hợp nhất trong năm 2020, năm 2021 và quý 1/2022 đã bị lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất đã bị âm tại thời điểm 31.3.2022.

Vietnam Airlines đang thua lỗ nặng và bị kiểm soát
tn

Về biện pháp và lộ trình khắc phục, Vietnam Airlines cho biết đang chủ động xây dựng các giải pháp tại “Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025”. Đối với năm 2022, các giải pháp tại đề án hướng đến mục tiêu không tiếp tục bị lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất cuối năm 2020. Tiếp đó, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn chủ sở hữu để từng bước vượt qua khủng hoảng và phục hồi.

Hiện tại, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu và đang gửi báo cáo lấy ý kiến các cổ đông Nhà nước và các cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện để báo cáo Đại hội đồng cổ đông thông qua. Các giải pháp bổ sung lợi nhuận và nguồn vốn chủ sở hữu được xây dựng trong đề án gồm 3 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa hồi phục hoàn toàn (2022 - 2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau.

Thứ 2, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Theo đó, tổng công ty sẽ triển khai bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ; thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính. Giải pháp này được thực hiện chủ yếu năm 2022 - 2024.

Thứ 3, phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, dự kiện 2023 - 2024.

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 cho thấy Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 11.600 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh thu tăng nhưng giá vốn bán hàng vẫn vượt doanh thu khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp gần 1.600 tỉ đồng.

Sau khi trừ các chi phí khác, hãng bay ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm 2.621 tỉ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của Vietnam Airlines.

Khoản lỗ quý đầu năm nâng tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên hơn 24.500 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD). Với tình trạng thua lỗ nặng, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) theo quy định.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14.6, HVN có giá 17.100 đồng/cổ phiếu. Mức giá cao nhất mà HVN đạt được là hơn 47.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2018 và thấp nhất 13.800 đồng/cổ phiếu khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3.2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.