Viết từ một đám tang

29/04/2018 13:01 GMT+7

Sinh - bệnh - lão - tử là quy luật của tạo hóa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có người chỉ có sinh - bệnh - tử hoặc sinh - tử.

Chiều 27.4, tôi đến viếng đám tang một bạn còn khá trẻ (Đó là cách nói của những người U 70 trở lên, như tôi). Còn với các bạn học sinh, sinh viên thì bạn ấy cũng không còn trẻ, dù chưa già. Bạn ấy mang tên một loài hoa kiêu hãnh - Hướng Dương.
Dương quá nổi tiếng với cuộc đời đầy nỗ lực, luôn biết đứng dậy sau những sự cố nghiêm trọng. Tuổi thanh xuân phơi phới, em mất đôi chân sau tai nạn kinh hoàng. Cứ tưởng em sẽ ngã quỵ, buông xuôi nhưng như tên loài hoa mình mang tên, trong tột cùng đớn đau em dũng cảm vượt qua và động viên mọi người, cất vang lời ca “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”.
Từ một người tật nguyền, em đã làm được nhiều việc mà nhiều người bình thường không thể. Em miệt mài hơn cả những con ong cần mẫn, làm tủ sách nói, trở thành người bạn lớn, là ân nhân của những người khiếm thị, không chỉ ở TP.HCM mà khắp đất nước. Được tiếp sức bởi nhiều nhà hảo tâm, cả trong và ngoài nước, em thành lập các quỹ học bổng Hướng Dương, Ánh Sen; các chương trình Thắp sáng niềm tin, Sưởi ấm niềm tin, giải cờ vua người khiếm thị và nhiều chương trình thiết thực khác. Sau gần 7 năm hình thành, tạm trú qua nhiều nơi và vận động quyên góp, Thư viện sách nói khang trang, bề thế được xây dựng tại 18B Đinh Tiên Hoàng, Q.1 với kinh phí hơn 8 tỉ đồng. Đây là Thư viện sách nói đầu tiên và duy nhất trong cả nước.
Mấy lần, tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến từng đoàn người khiếm thị, từ học sinh tiểu học đến các cụ già, lặng lẽ, dắt díu nhau đến viếng em. Có đoàn mang theo những giỏ hướng dương. Có đoàn hát vang những ca khúc đầy lạc quan hy vọng mà em từng hát chung với các bạn nhỏ. Tôi cũng chưa thấy đám tang nào mà thành phần viếng lại đa dạng như vậy. Từ các chính khách, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các soeur, các tăng ni đến những người dân bình thường, chỉ nghe tiếng hoặc thấy hình mà chưa một lần gặp. Nhiều vòng hoa từ nước ngoài gửi về. Đặc biệt là anh em trong phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn trước 1975, đều đến viếng em lần cuối.
Anh em Thành đoàn cũ đến với em không hẳn vì là bạn bè của ba mẹ em mà vì em. Từ trong bụng mẹ, em đã sát cánh với các cô, dì, chú, bác, cậu trong các nhà tù của chính quyền Sài Gòn. Sinh ra trong lao tù, mẹ đặt tên em là Hướng Dương, như khát vọng tự do luôn hướng về mặt trời cách mạng. Sau ngày thống nhất, em tung tăng chim sáo, hoạt bát, học giỏi, vẽ đẹp, biết làm thơ và đủ trò văn nghệ nên nhanh chóng trở thành điển hình và là người dẫn chương trình trong các hoạt động của thiếu nhi thành phố. Cuộc đời em sẽ bình lặng như nhiều bạn nhỏ lớn lên sau chiến tranh, nếu không có tai họa ập xuống, khi em tròn 25 tuổi, đang làm hướng dẫn viên du lịch.
“Phúc hề họa chi sở ý. Họa hề phúc chi sở phục”. Em đã biến tai họa thành động lực và khát vọng làm đẹp cho đời, nhất là cho những người khiếm thị. Em rời xa cõi đời khi chưa tròn tuổi 47, nhưng những gì em để lại là mơ ước của nhiều người trường thọ.
Nhìn dòng người nối tiếp đến tiễn em. Nhìn những vòng hoa tràn ngập thư viện, cả trước sân lẫn trên lầu và những bàn tiếp khách lúc nào cũng kín chỗ đã nói lên tất cả. Mới hay ý nghĩa cuộc sống chưa hẳn là sống bao lâu, thọ bao nhiêu tuổi mà chính là những đóng góp của mình cho cộng đồng. Em không phải chính khách tên tuổi, cũng không phải nghệ sĩ nổi tiếng nhưng trong cộng đồng người khiếm thị và nhiều kẻ bất hạnh, em là thần tượng. Giọng nói và những cuốn sách nói của em đã khai lối và cứu rỗi cho nhiều người.
Hướng Dương đã về trời nhưng Thư viện sách nói và những cuốn sách nói để đời vẫn ở lại. Giọng nói ấm, truyền cảm, phát âm chuẩn Sài Gòn sẽ còn sống mãi với đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.