Viết tiếp chuyện bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Buổi chiều cuối cùng của một thiên thần

21/07/2005 22:09 GMT+7

Sinh năm 1943, tại Hà Nội tốt nghiệp hạng ưu Đại học Y khoa Hà Nội 1966, bác sĩ Đặng Thùy Trâm là con gái đầu của một gia đình trí thức. Bố chị là bác sĩ người gốc Huế, còn mẹ chị là dược sĩ gốc người Quảng Nam. Tình nguyện vượt Trường Sơn vào công tác tại chiến trường Quảng Ngãi, từ tháng 4.1967 đến tháng 7.1970, chị Thùy Trâm là Bệnh xá trưởng Bệnh xá Đức Phổ (Quảng Ngãi). Suốt thời gian ấy, chị Trâm cùng đồng nghiệp đã cứu chữa cho hàng nghìn thương binh và nhân dân Đức Phổ.

 

Hy sinh trên đường công tác, hai cuốn nhật ký của chị Thùy Trâm đã rơi vào tay lính Mỹ. Và hành trình kỳ lạ của hai cuốn nhật ký này trước khi nó được trao về cho gia đình chị Trâm đã được Báo Thanh Niên lần đầu tiên giới thiệu trong một bài viết kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cảm hóa chính những kẻ thù đã sát hại mình bằng hai cuốn nhật ký ấy, nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã là biểu tượng cho những gì cao đẹp nhất của người thầy thuốc Việt Nam trong chiến tranh, và cũng là biểu tượng cho lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì lý tưởng của cả một thế hệ những trí thức yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 

Chị Thùy Trâm đã nói gì trước lúc hy sinh?

 


Chị Nguyễn Thị Kim Liên

Chị Nguyễn Thị Kim Liên, 56 tuổi, nguyên học viên lớp y tá Bệnh xá Đức Phổ, người duy nhất chứng kiến cái chết của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, kể với giọng buồn buồn về buổi chiều định mệnh ấy. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở một "nhà không số, phố không tên" thuộc thị xã Quảng Ngãi, chị Liên nay đã về hưu, có chồng là thẩm phán tòa án tỉnh, có 3 con, 2 gái 1 trai và đã có đứa cháu ngoại đầu tiên. Trong buổi sáng, tiếng khóc của đứa trẻ nằm nôi nghe thật thanh bình. Cháu út của chị sắp tốt nghiệp Cao đẳng Tài chính - Kế toán, ra chào khách. Khi chúng tôi hỏi cháu định xin việc ở đâu sau khi tốt nghiệp, chị Liên thật thà: "Khó lắm anh ạ. Tôi giờ về hưu rồi...". "Nhưng anh chồng chị đương chức, lại là thẩm phán tòa tỉnh, to thế cơ mà!" - tôi ngạc nhiên. Chị Liên cười cười: "Lại khó nữa.Vì những người sắp... đứng trước vành móng ngựa rồi mới quan hệ với anh ấy, thì làm sao nhờ họ xin việc cho con mình được?". Chúng tôi bật cười dù câu chuyện chị  kể sắp đi vào đoạn buồn nhất. Chị Liên chợt hỏi tôi: "Anh có biết vào buổi chiều ngày 22 tháng 7 năm 1970 ấy, trong lúc vượt qua ngọn núi giáp ranh xã Phổ Cường và Phổ Ninh, chị Trâm đã nói gì với tôi không ?". Làm sao tôi biết được, nhưng tôi biết, đó có thể là câu chuyện cuối cùng, những lời nói cuối cùng của nữ bác sĩ Thùy Trâm gửi lại thế giới này, cuộc đời này. "Chị Trâm đã kể tôi nghe về người yêu của chị. Tôi không biết anh ấy là ai, chỉ nhớ chị Trâm đã kể rất say sưa những kỷ niệm về mối tình đầu của mình. Hai chúng tôi đang trên đường từ căn cứ sắp chuyển bệnh xá về lại căn cứ cũ. Hai chị em chúng tôi đi tiền trạm mà. Tôi là y tá tập sự của Huyện đội Đức Phổ được cử về bệnh xá của chị Trâm để học lớp y tá đợt 2 nhằm nâng cao tay nghề. Tôi chỉ mới được ở với chị Trâm gần 6 tháng, nhưng thời gian ấy đủ cho tôi thương mến và cảm phục chị Trâm vô cùng. Chị Trâm không chỉ được mình tôi thương, dù chị nhận tôi là em nuôi. Chị được tất cả bà con ở Phổ Cường và Đức Phổ - những nơi chị đã sống, đã lăn lộn trong mấy năm ác liệt - thương như thương con đẻ hay chị em ruột thịt. Ở trạm xá trên núi, nhưng chị Trâm thường xuyên nhận được quà của bà con

Ông Ted Engerlmen Cựu chiến binh Mỹ trao đĩa CD lưu giữ cuốn nhật ký cho mẹ bác sĩ Trâm. Ảnh Ngọc Thắng

Phổ Cường gửi lên cho, từ hộp sữa đến bộ quần áo hay cả chiếc radio bán dẫn. Tôi nhớ, có lần chị còn khoe tôi chiếc nhẫn vàng bà con gửi cho chị "làm nhẫn cưới". Anh biết không, tôi chưa thấy một người con gái nào đẹp, giỏi giang và lại dễ thương như chị Trâm. Người như thế được nhiều anh để ý hay thầm yêu trộm nhớ cũng là chuyện bình thường. Nhưng trong thời gian sống bên chị, tôi thấy hình như chị chưa nhắm đến ai trong số những người mà chúng tôi quen biết. Cả chuyện chị thường xuyên ghi nhật ký, cũng ít người trong chúng tôi biết, vì chị rất kín đáo. Không hiểu vì sao, trong buổi chiều cuối cùng ấy, chị Trâm lại kể tôi nghe về người chị yêu. Hình như mối tình này của chị mãnh liệt lắm, qua cách kể và giọng kể của chị. Một trong những lý do chị vượt Trường Sơn vào đây là để được gặp anh ấy". Tôi hỏi chị Liên, có phải hai cuốn nhật ký của bác sĩ Thùy Trâm bị lính Mỹ thu khi họ đánh vào bệnh xá không ? Chị Liên khẳng định: “Làm gì có chuyện đó! Mỗi khi chạy càn hay chuyển cứ, chị Trâm và chúng tôi đều mang theo tất cả tài liệu của bệnh xá và những gì thiết cốt nhất của cá nhân. Hai cuốn nhật ký mà người Mỹ lấy được của chị Trâm đã được chị cất trong chiếc bòng (ba lô) mà chị đeo bên mình khi cùng tôi đi tiền trạm đến căn cứ mới. Sau khi hạ sát chị Trâm, lính biệt kích Mỹ đã lấy hai cuốn nhật ký này cùng những vật dụng cá nhân khác của chị Trâm. Chúng chỉ để lại quần áo của chị, sau khi đã xé ra và treo vắt vẻo trên những cháng cây rừng". Tôi hỏi, trước khi chết chị Trâm mặc chiếc áo màu gì, chị Liên nói ngay: "Chị mặc áo bà ba đen. Chị Trâm rất thích mặc áo bà ba, trong ba lô của chị khi ấy vẫn còn vài chiếc áo bà ba đen. Sau khi chị mất, có một chiếc áo bà ba trong ba lô chị bị lính Mỹ xé đôi vắt trên cây, tôi đã cầm về vá lại và mặc miết cho tới sau hòa bình".

 

Thật tiếc, chị Liên đã không còn giữ được chiếc áo bà ba đen thương thiết ấy. Nhưng hình ảnh người nữ bác sĩ can đảm trong chiến đấu, nhẫn nại và chịu đựng đến vô cùng khi chăm sóc thương binh, hình ảnh người con gái yêu mãnh liệt và lãng mạn trong câu chuyện cuối cùng vào buổi chiều định mệnh ấy, tôi biết, mãi mãi còn trong trái tim chị Liên và những đồng đội của bác sĩ Thùy Trâm.

 

Chị là thiên thần của chúng tôi

 

Thùy Trâm cùng mẹ là bà Doãn Ngọc Trâm trước ngày lên đường (ảnh chụp ngày 18/12/1966)

Buổi chiều ngày 22 tháng 7 của 35 năm trước. Câu chuyện chị Nguyễn Thị Kim Liên kể bằng giọng nghèn nghẹn: "Có lẽ bọn biệt kích Mỹ nghe giọng nói của hai chị em chúng tôi. Chúng đã phục lại chờ ngay đỉnh dốc. Mải chuyện, tới lúc đột nhiên một tên biệt kích Mỹ đen nhô ra, gần như nó đã nắm được tay chị Trâm. Tôi chỉ kịp hét lên: "Chị Hai, Mỹ!" và vùng chạy.  Hai chị em không có vũ khí, mà thực ra, có vũ khí lúc ấy cũng không đối phó kịp. Tôi lao mình xuống dốc, và nghe phía sau mình một loạt tiểu liên đanh gọn. Chúng đã hạ sát chị Trâm ở một khoảng cách quá gần, chỉ chừng 1 mét. Cái chết của chị Trâm và cây rừng đã cứu tôi thoát chết". Không chủ định, nhưng bằng cái chết của mình, chị Thùy Trâm không chỉ cứu sống chị Liên mà còn báo động cho cả bệnh xá biết sự hiện diện của bọn biệt kích Mỹ. Bệnh xá đã dời đi an toàn. Đơn vị vũ trang huyện đã bám gần nơi chúng sát hại chị Trâm đúng một tuần, bọn biệt kích Mỹ mới bỏ đi. Nấm mộ người nữ bác sĩ đã được đắp cao lên, chứ không thể đào huyệt an táng chị. Ngày ấy, không có hương hoa, nhưng tất cả những người quen biết và cùng sống cùng chiến đấu với chị Thùy Trâm mỗi khi qua con dốc này đều đắp thêm cho chị một nắm đất. Cho tới hòa bình. Trước khi người mẹ thương yêu của chị Trâm vào với con, suốt một tháng ròng, hương đã được thắp lên trên nấm mộ người con gái kính thương của hàng nghìn thương binh từng được chị cứu chữa và chăm sóc. Bao nhiêu nước mắt đã chảy mỗi khi có người nhắc đến tên Thùy Trâm. Hơn cả anh hùng, Thùy Trâm đã là một thiên thần của thế hệ chúng tôi, một thế hệ trong sáng hồn nhiên vô tư đến kinh ngạc khi bước vào cuộc chiến đấu sinh tử. Một thiên thần trong màu áo trắng tinh khiết, dù trong chiến tranh, chị Trâm nào có điều kiện để mặc chiếc áo blouse trắng của người bác sĩ. Khi tìm gặp những người đã từng sống với chị trong 3 năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, tôi mới hiểu vì sao chị Thùy Trâm được chính những người lính Mỹ - những kẻ thù một thời của chị - yêu mến và kính trọng đến như vậy. Bởi trước hết, chị được chính những đồng đội của mình yêu thương và kính trọng. Chị được nhân dân của mình yêu thương và quý trọng. Chị được mảnh đất chiến trường Đức Phổ che chở và nâng niu cho tới khi chị nhập vào hồn đất ấy. Và ngay khi đã chết rồi, chị vẫn tiếp tục cải hóa được chính những kẻ thù của mình. Bằng hai tập nhật ký. Bằng tình yêu thương và sự dâng hiến vô hạn cho cuộc đời, cho con người, cho lý tưởng. Mới hôm qua thôi, tôi mới biết, hóa ra, người yêu của chị Thùy Trâm, người một thời đã là thần tượng của chị - người đi trước chị vào chiến trường với màu áo quân phục giải phóng - lại là người sau này rất thân với tôi, người tôi kính trọng và yêu quý như một người anh. Dù chưa một lần tôi nghe anh kể về chị, và có thể anh mang một nỗi đau, một nỗi dằn vặt nào đó trong mối tình này mà anh cố giấu, cả chị Trâm cũng vậy, nhưng tôi có thể nói, họ là hai con người theo đúng nghĩa cao đẹp của từ này. Anh đã qua đời vì những vết thương và những di chứng chiến tranh, và có thể ở cõi xa xăm ấy, anh đã gặp lại chị. Mong là như vậy. Xin chị yên nghỉ, chị Thùy Trâm, chị mãi mãi là niềm tự hào của chúng tôi, là thiên thần của chúng tôi!

 

Quảng Ngãi, ngày 21/7/2005

 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.