Không để tài nguyên cạn kiệt

29/05/2010 00:25 GMT+7

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Lê Quốc Dung (ảnh) cho biết ủy ban đã đề xuất thực hiện nghiêm quy định đấu giá khi cấp phép khai thác khoáng sản trong Luật Khoáng sản (sửa đổi) để chấn chỉnh tình trạng cấp phép dễ dãi, tràn lan hiện nay.

Doanh nghiệp kiếm lời còn Nhà nước thất thu

* Nhiều ĐBQH tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội cũng như về quyết toán ngân sách năm 2008 sáng 28.5 đều bày tỏ lo lắng trước thực trạng cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi của một số địa phương, gây thất thu ngân sách rất lớn. Cá nhân ông đánh giá sao về thực trạng này?

- Việc cấp phép khai thác khoáng sản hiện nay do sự phân cấp trong Luật Khoáng sản hiện chưa hợp lý, phân cấp cho địa phương được quy hoạch, cấp phép thăm dò khai thác những khu vực ngoài khu vực cấp T.Ư quy hoạch, trong khi chúng ta còn rất nhiều diện tích, lãnh thổ, đất đai chưa thăm dò (mới chỉ thăm dò được 56% diện tích).

Phân cấp như vậy dẫn tới tình trạng các địa phương cấp phép rất nhiều và không theo quy hoạch. Quan trọng nhất là chúng ta chưa quy định được việc cấp phép giao quyền khai thác mỏ có thu tiền dẫn tới việc cấp phép khai thác mỏ hiện nay chỉ như một dự án công nghiệp thông thường, cá nhân, tổ chức được cấp phép khai thác không phải nộp cái gì ngoài phí thủ tục hành chính. Thêm vào đó, thu thuế tài nguyên cũng có nhưng là thu quyền sở hữu mỏ tài nguyên của Nhà nước còn thuế thì rất thấp. Kết cục là chúng ta cấp phép rất nhiều mỏ nhưng không thu được nhiều tiền.

Các khoản tiền về môi trường, phí môi trường, chi phí điều tra cơ bản địa chất khoáng sản, kể cả những chi phí thăm dò mà Nhà nước thực hiện thì nguồn thu trở lại cũng rất ít. Cho nên có thể nói chúng ta thất thu về cấp phép mỏ khai thác khoáng sản rất nhiều. Chính vì vậy một số người lợi dụng việc cấp phép dễ dãi để xin cấp phép, dù không đủ khả năng khai thác mỏ, để mua đi bán lại, gây nên tình trạng hỗn loạn, khó kiểm soát. DN kiếm lời còn Nhà nước thì thất thu.

 * Có ý kiến cho rằng, việc cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan xuất phát từ quyền lợi một số cá nhân, trong đó có chính quyền địa phương?

- Nhà nước chưa thu trong khi rất nhiều lợi ích từ các mỏ khoáng sản này thì tất yếu một số người sẽ lợi dụng để thu, xin cấp phép để bán qua tay với nhau. Lợi nhuận vào túi một số doanh nghiệp, Nhà nước mất thì doanh nghiệp, cá nhân được hưởng, bởi luật có kẽ hở.

Nhất thiết phải đấu giá khi cấp phép

* Theo ông thì việc cấp phép khai thác khoáng sản dễ dãi nói trên sẽ dẫn tới những hậu quả gì đối với môi trường dân sinh, ngoài việc Nhà nước bị thất thu một khoản tiền rất lớn? 

 - Việc khai thác mỏ từ cấp phép dễ dãi này ảnh hưởng rất lớn về môi trường, hạ tầng, về đất đai, đời sống nhân dân. Kỳ này sửa đổi Luật Khoáng sản sẽ điều chỉnh, khắc phục thiếu sót của luật hiện hành cũng như bất cập nảy sinh trong thực tiễn để Nhà nước phải nắm được nguồn thu, từ đó phân chia nguồn thu đó cho các cấp để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.

 * Cụ thể mình sẽ sửa vấn đề mấu chốt gì trong luật hiện hành để chấn chỉnh tình trạng trên, thưa ông?

- Trong luật hiện hành có quy định đấu giá để được cấp phép nhưng có đấu giá được cái nào đâu. Không đấu giá mỏ được cho nên các cơ quan quản lý không hướng dẫn, không chỉ đạo được, thất thu rất lớn cho ngân sách. Chúng ta chỉ có cấp không các dự án như những dự án công nghiệp thông thường, để cho các đơn vị lợi dụng, họ mua đi bán lại. Lần này, Luật Khoáng sản (sửa đổi) quy định rõ phải đấu giá khi cấp giấy phép. Đề nghị này đang chờ QH quyết định.

Ngưng xuất khoáng sản thô

*  Theo ông, để xảy ra tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan thời gian qua trách nhiệm thuộc về ai?

- Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng, như là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng như trách nhiệm quản lý của Chính phủ nói chung.

* Thưa ông, nhiều ĐBQH cũng như một số thành viên Ủy ban TVQH cho rằng không nên tiếp tục xuất khẩu khoáng sản thô để một mặt giữ lại tài nguyên cho các thế hệ sau, ông có đồng tình với quan điểm này?

- Rất đồng tình. Chúng ta chỉ bán những cái gì cần thiết còn thì để lại khoáng sản sau này có hiệu quả hơn, bởi xuất khẩu khoáng sản thô không đem lại hiệu quả, nguồn thu mang lại không tốt mà thiệt hại thì rất nhiều.

* Cụ thể thiệt hại đó là những gì, thưa ông?

- Hậu quả rõ nét nhất là việc cạn kiệt tài nguyên đất nước. Các nền kinh tế mới nổi mua giá cao, thậm chí dự trữ, ta khai thác không quy hoạch, bán khoáng sản thô, gây cạn kiệt, thất thoát lớn trong khi ngân sách đất nước không thu được gì. Nhưng còn một vấn nạn khác là việc ảnh hưởng đến sông suối, rừng đầu nguồn, đất đai do các loại hóa chất sử dụng trong khai khoáng ảnh hưởng đến môi trường. Khắc phục cái này không phải ngày một ngày hai và không phải là ít tiền đâu, trong khi thu thì không được nhiều. Thứ ba nữa là trong quản lý thì không có trật tự, không công khai minh bạch, nên thiệt thòi nhiều cho đất nước.

* Xin cảm ơn ông!

 Nguyệt Minh - Quang Phổ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.