Choáng ngất hàng loạt vì khói bụi

14/01/2010 22:58 GMT+7

Sau vụ gây ngộ độc hàng loạt cho học sinh trường THCS Quán Toan (Hải Phòng), 7 nhà máy sản xuất trong khu vực đã bị tạm dừng hoạt động. Nhưng theo phản ánh của các hộ dân, các nhà máy này vẫn hoạt động, đặc biệt là xả khí ô nhiễm vào ban đêm.

Kinh hoàng khí thải công nghiệp

Phường Quán Toan, Q.Hồng Bàng, Hải Phòng có 3 trường học với hơn 1.000 học sinh và khoảng 1.400 nhân khẩu, nhưng có đến 7 nhà máy sản xuất thép, gồm: Công ty CP thép Vạn Lợi, Công ty CP thép Việt - Nhật, Công ty CP thép Cửu Long Vinashin, Công ty TNHH thép VSC Posco, Công ty sản xuất thép Úc SSE, Công ty thép Vinausteel, Công ty ống thép Việt Nam Vinapipe. Nhiều năm qua người dân sinh sống nơi đây đã khốn khổ vì lượng khí thải khổng lồ xả ra từ những nhà máy này.

Bà Ngô Thị Hà, chủ một cửa hàng tạp hóa tại đây cho biết, khói bụi từ các nhà máy bay ra rất nhiều, nhất là những hôm có gió, bụi bay như trời có sương mù, ngột ngạt và khó thở vô cùng. Còn một số hộ dân sinh sống tại khu tập thể Quán Toan thì nói rằng: “Hằng ngày luôn có mùi khét rất khó chịu, y như nylon bị cháy, ban ngày còn đỡ chứ về đêm thì nồng nặc”. Ông Nguyễn Văn Trọng nhà ở mặt  đường 5 (cũ) bức xúc nói: “Trước chúng tôi thường dậy vào lúc sáng sớm để đi bộ, tập thể dục trong khu vực, nhưng đã nhiều năm nay do khói bụi mù mịt, nhất là loại khói đen dày đặc thường gây tức ngực, khó thở nên chẳng ai dám ra khỏi nhà nữa”. Theo ông Trọng, người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cấp nhưng chẳng đâu giải quyết cả.

Sự việc có lẽ cũng chìm xuống nếu không có vụ việc gây xôn xao dư luận xảy ra tại trường THCS Quán Toan. Chỉ trong vòng hơn một tháng từ 27.10 đến 19.12.2009, nhà trường đã phải 4 lần tạm đóng cửa vì có 86 học sinh và một giáo viên của trường phải cấp cứu vì ngộ độc khí thải.

Cô giáo Ngô Thị Thanh, giáo viên dạy mỹ thuật của trường cho đến giờ vẫn không thể quên cảm giác kinh hoàng lúc đó. Sáng 27.10, trong khi đang trang trí hội trường trên tầng 2 thì cô đột nhiên bị choáng, rất đau đầu và người lạnh toát, cố chạy xuống đến giữa sân trường thì bị ngất xỉu luôn. Bác sĩ Ngô Xuân Hiếu, Trưởng phòng khám đa khoa Quán Toan, cho biết: các học sinh của trường được cấp cứu tại phòng khám đều có biểu hiện buồn nôn, đau đầu, khó thở và choáng. Một số cháu bị nặng phải chuyển Bệnh viện Nhi Đức. Riêng cô giáo Ngô Thị Thanh - do diễn biến bệnh phức tạp - được chuyển lên tuyến trên (BV Việt - Tiệp) để điều trị.

Cơ quan chức năng bất lực?

Theo một nhân viên bảo vệ trường THCS Quán Toan thì, các nhà máy thường xả khói mù mịt vào đêm, nhiều nhất vào khoảng 6 giờ 40 phút hằng sáng. Sự việc xảy ra đã khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Có mặt tại trường để đón con gái, anh Nguyễn Trường Thuật cho biết, đây là lần thứ 3 con gái anh bị choáng ngất. Gia đình đã nhiều lần phải đưa cháu đi chữa bệnh viêm phế quản, chưa rõ nguyên nhân. Theo anh Thuật, nhất định lần này gia đình sẽ chuyển trường cho cháu. Điều đáng nói là, trường THCS Quán Toan có hơn 500 học sinh, cạnh trường này còn có một trường tiểu học với 800 học sinh và một trường mầm non với 500 cháu...

Ngay sau khi vụ việc hàng trăm học sinh tại trường THCS Quán Toan bị ngộ độc khí thải, UBND thành phố Hải Phòng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì để xác minh, tìm hiểu nguyên nhân. 7 nhà máy sản xuất thép ở khu vực trên đều nằm trong danh sách kiểm tra. Tuy nhiên, loay hoay hàng tháng trời sau đó, việc lấy các mẫu khí thải tại các cột khói của 3 nhà máy sản xuất thép lớn gần khu vực trường học vẫn không thực hiện được. Lý do, vì các cột khói này quá cao (40 mét), đường kính gần 1 mét mà lại không có các lỗ thăm, vì thế không thể lấy mẫu khí thải để quan trắc (!). Chính vì sự lúng túng này, các nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất và học sinh tiếp tục ngộ độc.

Ngày 14.12, UBND thành phố Hải Phòng có thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất của 7 nhà máy trên. Trước đó, Sở Tài nguyên - Môi trường có báo cáo về kết quả cả 2 lần kiểm tra, lấy mẫu ở 7 doanh nghiệp sản xuất thép gần đây cho thấy: lò luyện phôi nhập phế liệu không được sàng lọc, lẫn nhiều tạp chất, trong đó có chất thải nguy hại. Thêm vào đó, doanh nghiệp sử dụng dầu tái chế để đốt thiết bị, hệ thống lọc khói không tốt là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, lượng SO2, CO thải ra môi trường khá lớn, riêng ở khu vực trường THCS Quán Toan, lượng khí SO2 đo được vượt quá mức cho phép từ 2 đến 3 lần. Tuy nhiên, một lãnh đạo của sở này cho biết, kết quả quan trắc này chưa phản ánh chính xác tình trạng ô nhiễm vì khi tiến hành lấy mẫu thì các nhà máy đã ngừng hoạt động.

Ngày 23.12, ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đã phân công 3 tổ kiểm tra gồm 33 người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra tại khu vực trên. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, cơ quan chức năng của thành phố Hải Phòng vẫn chưa có kết luận chính thức. Trong khi đó, theo phản ảnh của người dân xung quanh khu vực: mặc dù có công văn chỉ đạo của chính quyền TP Hải Phòng cũng như của Bộ Tài nguyên - Môi trường yêu cầu các DN tạm dừng hoạt động để kiểm tra làm rõ nhưng các DN vẫn hoạt động, nhất là vào ban đêm.

Một thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết: Chỉ cần có đoàn kiểm tra vào đến cổng công ty, bảo vệ gọi điện báo vào trong là họ đã ngừng hoạt động, hoặc giảm bớt công suất. Vì thế, việc lấy mẫu khí thải khó chính xác được. Và như thế, mối hiểm họa đe dọa sức khỏe, tính mạng đối với thầy và trò của 3 trường học cùng hàng trăm hộ dân tại khu vực Quán Toan vẫn treo lơ lửng trên đầu. 

Phạm Hải Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.