Việt Nam trong chuyển động chính trị quốc tế

31/12/2017 07:58 GMT+7

So với năm 2016, thế giới năm qua đã có nhiều thay đổi mà khác biệt lớn nhất là việc Mỹ có tổng thống mới cùng nhiều chính sách mới.

Khi những ngày cuối cùng của năm 2017 sắp trôi qua, các cựu quan chức cấp cao và nhà báo nổi tiếng của Mỹ, cùng giới nghiên cứu ở nhiều nước đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên để đánh giá về chính sách đối ngoại của VN trong năm qua cũng như các thách thức của năm 2018.
TS John Hamre (Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ):

Hội nghị cấp cao APEC 2017 do VN tổ chức đã đạt được thành công. Mỹ cũng đã thể hiện sự hoan nghênh quan hệ mật thiết hơn với VN. Ngược lại, tôi tin rằng VN cũng hoan nghênh những đóng góp tích cực của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là từ Mỹ, đã có sự chia rẽ về chính sách hợp tác thương mại khi rút khỏi TPP.
Ông Murray Hiebert (Phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS):
Năm qua, VN đã thực hiện chính sách đối ngoại hiệu quả khi xét đến bối cảnh chung của tình hình thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên ở ASEAN thăm chính thức Mỹ và gặp gỡ tân Tổng thống Donald Trump của nước này. Sau khi Washington rút khỏi TPP, VN chủ động thăm dò định hình TPP-11, đồng thời thúc đẩy các đàm phán về hiệp định thương mại tự do với EU. Kèm theo đó là các ứng xử khéo léo với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. VN đã trở thành nước đầu tiên mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức kể từ sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kết thúc. Các cuộc họp tại APEC 2017 cũng tập trung nhiều vào các vấn đề kinh tế quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Ernest Bower (Tổng giám đốc Công ty tư vấn Bower Group Asia, Cố vấn cao cấp của CSIS, Mỹ):
VN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IndoPacific) về chính sách đối ngoại và cân bằng địa chính trị. Kết quả này có sự góp phần từ triển vọng chiến lược của VN - đất nước có các lãnh đạo hiểu rõ lịch sử và quan tâm đến việc duy trì cân bằng địa chính trị để thúc đẩy phát triển. Nỗ lực này được thể hiện qua việc làm chủ nhà APEC 2017 cũng như góp phần tăng cường vị thế của khối ASEAN. Thêm vào đó, VN cũng đã hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và nhiều nước Đông Nam Á để củng cố cấu trúc trong khu vực.
Năm 2018 sẽ có nhiều thách thức cho VN vì cần phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng, đồng thời cố gắng duy trì tiến trình hòa bình ổn định, thịnh vượng ở IndoPacific. Trong đó, một thách thức mà VN cần vượt qua là những chuyển động của Trung Quốc đang tạo ra áp lực lớn hơn cho vấn đề Biển Đông.
Ông Harry J.Kazianis (Tổng biên tập tạp chí The National Interest, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng - Trung tâm nghiên cứu lợi ích của Mỹ):
Thực sự, VN sẽ đối mặt nhiều thách thức trong chính sách đối ngoại về vấn đề an ninh bởi phải thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế trong năm tới. Năm 2017, chẳng bao lâu sau khi nội các mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump ra đời, tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng, nhất là khi Bình Nhưỡng công bố vũ khí hạt nhân và tên lửa đủ sức đe dọa Washington, thu hút mọi sự quan tâm. Thực tế đó khiến cho vấn đề Biển Đông bị “nguội” trong nghị trình chính trị quốc tế. Vì vậy, trong năm 2018, tình hình có thể thay đổi sau khi chính quyền của Tổng thống Trump được kỳ vọng nỗ lực xây dựng một chính sách mới ở châu Á.
PGS Stephen R.Nagy (Chuyên ngành chính trị và quốc tế - Đại học Cơ đốc giáo quốc tế, Nhật Bản):
VN đã xử lý hiệu quả những thách thức và khó khăn trong năm qua. Trong đó, với quan hệ Việt - Mỹ, VN đã tăng cường hợp tác ở nhiều cấp độ. Hay như Hiệp định TPP-11 (sau là CPTPP) cũng trở thành minh chứng cho những nỗ lực của VN trong việc xây dựng mối quan hệ đa phương.
Năm 2017, nhiều cuộc viếng thăm của tàu chiến các nước như Mỹ, Nhật... đến VN cũng như các cuộc tập trận đa phương chứng minh VN đang đóng góp tích cực vào hoạt động hợp tác an ninh trong khu vực. Những gì diễn ra tại APEC 2017 là thông điệp mạnh mẽ của VN về sự cần thiết của hợp tác ở diễn đàn này, vì nó sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế lẫn an ninh.
Năm qua, Mỹ đưa ra Chiến lược an ninh quốc gia hay Úc công bố Sách trắng về ngoại giao, cùng với những động thái từ Ấn Độ, Nhật Bản đã chỉ ra những nỗ lực của nhiều nước nhằm đảm bảo lợi ích chung về an ninh trong khu vực. Điều này có thể mở ra nhiều quan hệ hợp tác cho VN trong năm tới, nhưng cũng tạo ra các thách thức đến từ Trung Quốc. Chính vì thế, VN năm 2018 cần một chính sách đối ngoại phù hợp để tạo ra sự cân bằng và thúc đẩy trật tự an ninh chung.
TS Ankit Panda (Thư ký tòa soạn tạp chí The Diplomat):
Năm 2017, Hội nghị cấp cao APEC do VN tổ chức đã mở ra những điều kiện quan trọng để tạo thuận lợi cho tự do thương mại. Năm tới, VN cần phối hợp chặt chẽ với sáng kiến từ khu vực ASEAN, khi Singapore giữ vai trò chủ tịch, nhằm giải quyết hiệu quả hơn nữa vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó là duy trì và đẩy mạnh quan hệ với các đối tác nhằm củng cố vị thế để vượt qua các thách thức trong khu vực.
TS Collin Koh Swee Lean (Chuyên gia của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore):
Tiếp nối các năm trước, VN năm 2017 đã có chính sách năng động, tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với nhiều nước không chỉ ở khu vực châu Á. Và chắc chắn, VN cũng đã đóng góp không nhỏ vào hợp tác đa phương điển hình thông qua các định chế như ASEAN, APEC. Đặc biệt là những đóng góp quan trọng để ASEAN đạt được thỏa thuận dự thảo khung của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
2018 sẽ là một năm quan trọng cho VN. Vì sau những sự kiện đạt được trong năm qua, sự chú ý của quốc tế sẽ tập trung vào vấn đề đàm phán COC. Song song đó, nguy cơ căng thẳng trên Biển Đông có thể gia tăng, gây ảnh hưởng lên quá trình đàm phán COC. Khi đó, VN phải cân bằng lợi ích chung giữa các bên trong ASEAN cũng như vấn đề Biển Đông.
TS Raji Rajagopalan (Chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu quan sát (ORF) ở Ấn Độ):
Năm 2017, VN đã ký 2 tuyên bố chung riêng biệt với Mỹ và Trung Quốc. Điều này thể hiện chính sách đối ngoại đạt sự cân bằng nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia cả về an ninh lẫn kinh tế. Trong đó bao gồm sự hợp tác với Trung Quốc về chương trình Một vành đai một con đường. Không chỉ thành công trong việc tổ chức APEC 2017, mà qua đó VN còn chứng minh tầm nhìn về cách tiếp cận thực tiễn để xây dựng nguyên tắc chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm tới, VN cần xem xét đánh giá các chuyển động chính trị toàn cầu để thực hiện chính sách phù hợp. Nổi bật là cách thức mà Washington giải quyết các vấn đề ở châu Á cũng như bản chất quan hệ Trung - Mỹ. Mặt khác, VN cần đẩy mạnh quan hệ an ninh, quốc phòng với các đối tác quan trọng như Ấn Độ và Nhật Bản...
GS James R.Holmes (Trường Hải chiến Mỹ):
Năm tới, VN cần tiếp tục các chính sách đã theo đuổi trong năm 2017: tăng cường năng lực phòng thủ hàng hải bằng cách phối hợp với các đối tác. Việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác đa phương có vai trò quan trọng không hề thua kém chương trình hiện đại hóa khí tài. Quá trình hợp tác sẽ giúp năng lực quốc phòng của VN được phát triển toàn diện, giúp đảm bảo vị thế trong khu vực.
TS Satoru Nagao (chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ):
So với năm 2016, thế giới năm qua đã có nhiều thay đổi mà khác biệt lớn nhất là việc Mỹ có tổng thống mới cùng nhiều chính sách mới. Qua đó, cần nhiều thời gian hơn để Tổng thống Mỹ Donald Trump tái lập chính sách rồi chứng minh hiệu quả đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy vậy, thời gian qua, VN cùng Nhật Bản, Ấn Độ đã hợp tác củng cố cấu trúc an ninh trong khu vực. Vào tháng 1.2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm VN rồi sau đó là Nhật hoàng Akihito cũng thăm VN, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường quan hệ song phương. VN cũng hợp tác mạnh mẽ với Ấn Độ trong năm 2017 về các chương trình khí tài quốc phòng.
Từ kết quả này, kết hợp cùng các thể hiện mới đây của Tổng thống Donald Trump, cụ thể là các phát biểu khi đến thăm VN và Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ vừa được công bố, sẽ giúp hình thành một mạng lưới an ninh để ứng phó các thách thức trong khu vực. Đây chính là điều VN cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.