Việt Nam trở thành nơi lưu giữ kỷ vật của ‘cha đẻ’ sơ đồ tư duy

18/12/2022 16:32 GMT+7

Trong khuôn khổ cuộc thi Sơ đồ Tư duy Việt Nam (Vietnam Mindmap Championship 2022), Tổ chức Mindmap Việt Nam vinh dự được chọn làm đơn vị lưu trữ kỷ vật của cố giáo sư Tony Buzan, cha đẻ của phương pháp sơ đồ tư duy.

Trong buổi lễ tại TP.HCM ngày 18.12, Giáo sư Marek Kasperski, Phó Chủ tịch của Công ty Tony Buzan, chủ trì Hiệp hội Trọng tài Thể thao Trí nhớ Quốc tế (G.O.M.S.A), Trưởng Ban Trọng tài Toàn cầu của Giải Vô địch Sơ đồ Tư duy và Đọc nhanh Thế giới, bàn giao những kỷ vật của cố Giáo sư người Anh Tony Buzan (1942-2019) cho Tổ chức Mindmap Việt Nam.

Trưởng Ban Trọng tài Toàn cầu của Giải Vô địch Sơ đồ Tư duy và Đọc nhanh Thế giới, bàn giao những kỷ vật của cố Giáo sư người Anh Tony Buzan (1942-2019) cho Tổ chức Mindmap Việt Nam

“Chúng tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam dẫn đầu thế giới trong nỗ lực giới thiệu lý tưởng của ông Tony Buzan và mind map cho cộng đồng”, Giáo sư Marek Kasperski nói.

Sau khi qua đời vào năm 2019, ông Tony Buzan đã để lại những kỷ vật trong suốt hành trình sự nghiệp cho phu nhân Lorraine. Bà đã ủy quyền Giáo sư Marek Kasperski - người bạn chí thân của ông Tony Buzan - lựa chọn và trao truyền lại những kỷ vật quý giá cho một người học trò xuất sắc trên thế giới.

Giáo sư Marek Kaperski chứng kiến và theo dõi những nỗ lực của Tổ chức Mindmap Việt Nam trong suốt những năm qua dưới sự dẫn dắt của Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Thế giới Nguyễn Phùng Phong. Ông đánh giá kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong đã luôn nỗ lực và kế thừa trọn vẹn những lý tưởng của cố giáo sư Tony Buzan.

Các kỷ vật được trưng bày

Vì thế, ông Marek Kaperski đã trình bày với phu nhân Lorraine về hành trình lan tỏa sơ đồ tư duy cùng các phương pháp học tập thông minh tại Việt Nam. Bà đã rất xúc động và quyết định trao tặng những kỷ vật đặc biệt của Chủ tịch Tony Buzan đến tổ chức Mindmap Việt Nam.

“Đây là một niềm vinh dự to lớn cho một người học trò như tôi và nói riêng và đội ngũ những người phát triển Sơ đồ Tư duy tại Việt Nam nói chung”, ông Nguyễn Phùng Phong cho biết.

Các kỷ vật được đích thân Giáo sư Marek Kasperski - người bạn chí thân của ông Tony Buzan - mang từ Anh đến Việt Nam. Một trong số những kỷ vật đặc biệt nhất là chiếc máy đánh chữ đã gắn bó cùng Chủ tịch Tony Buzan trong suốt hành trình sự nghiệp.

Lúc sinh thời, ông Tony Buzan dùng chiếc máy đánh chữ này để phác thảo hàng chục quyển sách về tư duy và phương pháp học tập, đặc biệt là “Use your head” (Sử dụng trí tuệ của bạn).

Đây là quyển sách kinh điển về cách khai phá tiềm năng vô hạn của bộ não đã làm nên tên tuổi của ông. Từ năm 1974 đến nay, sách đã được dịch sang hơn 27 thứ tiếng, xuất bản trên 1 triệu bản ở 100 quốc gia trên thế giới.

Khao khát lan tỏa phương pháp sáng tạo giúp cho việc học trở nên nhẹ nhàng

Là một tác giả, nhà tâm lý, ông Tony Buzan đã phát minh phương pháp tư duy mindmap vào năm 1968. Ông là tác giả của 92 đầu sách, được dịch ra trên 30 thứ tiếng, xuất bản trên 125 quốc gia và là diễn giả hàng đầu thế giới về não bộ.

Một số kỷ vật của ông Tony Buzan

Trong cuộc đời mình, ông Tony Buzan đã đến rất nhiều trường đại học, gặp các học sinh chỉ với một đam mê, khao khát đưa phương pháp sáng tạo giúp cho việc học trở nên nhẹ nhàng. Ông từng đến Việt Nam vào năm 2007. Sơ đồ tư duy do ông tạo ra đã thay đổi hoàn toàn phương pháp ghi chú truyền thống và được mệnh danh là “công cụ vạn năng cho bộ não” và đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho ngành giáo dục trên toàn thế giới.

Tầm nhìn của ông Tony Buzan là giúp con người có thể sử dụng tối đa tiềm năng của ghi nhớ không giới hạn, giải phóng khả năng sáng tạo và hệ thống thông qua sơ đồ tư duy, linh hoạt trong nhận thức bằng cách cân bằng giữa tư duy hội tụ và tư duy khác biệt, giúp mọi người làm chủ tư duy bằng cách áp dụng sơ đồ tư duy và các công cụ khác để giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.

Cố Giáo sư Tony Buzan cũng là người đồng sáng lập cuộc thi vô địch Siêu Trí Nhớ và cuộc thi vô địch Sơ đồ tư duy thế giới. Kể từ khi Giải vô địch Trí nhớ Thế giới đầu tiên vào năm 1991 đến nay đã có 30 giải đấu được tổ chức, Bộ môn Thể thao Trí tuệ về Trí Nhớ đã lan rộng ra 50 quốc gia với hơn 100.000 thí sinh tham gia thi đấu. Giải Vô địch Sơ đồ Tư duy Thế giới chính thức ra đời vào năm 1998. Tính đến nay đã có 13 giải đấu cấp quốc tế và được hơn 250 triệu người dùng phương pháp này trên toàn thế giới.

Vào năm 2017, Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Thế giới Nguyễn Phùng Phong, lúc đó là huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Siêu Trí Nhớ Việt Nam, đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Tony Buzan.

Nhận thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của ban huấn luyện Việt Nam, ông Tony Buzan đã chính thức quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Phùng Phong làm chủ tịch hội đồng Thể thao trí nhớ thế giới tại Việt Nam.

Với ước muốn “Đem tinh hoa Việt Nam ra thế giới, Mang tinh hoa thế giới về Việt Nam”, Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Viện Kỷ lục Việt Nam đã đồng hành và chỉ đạo Kỷ lục gia Thế giới Nguyễn Phùng Phong cùng các cộng sự tiếp nối lý tưởng của bậc thầy vĩ đại đem các giải đấu theo tiêu chuẩn quốc tế về Việt Nam và hiện hóa thành cuộc thi Siêu trí nhớ Việt Nam lần đầu tiên vào 2019, Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam năm 2021 và năm 2022.

Dù chủ tịch Tony Buzan đã mất nhưng tinh thần và di sản ông để lại vẫn luôn được các học trò xuất sắc của ông gìn giữ và trao truyền đến các thế hệ mai sau.

Tại Việt Nam, Kỷ lục gia Thế giới Nguyễn Phùng Phong cùng đội ngũ phát triển Mindmap đã, đang và sẽ tiếp tục hành trình tiếp nối và kế thừa những lý tưởng của ông Tony Buzan nhằm lan tỏa Sơ đồ tư duy cùng những phương pháp học tập thông minh đến học sinh và sinh viên.

Tại buổi họp báo ở TP.HCM ngày 17.12 cũng diễn ra lễ ký kết công nhận 13.4 - ngày mất của ông Tony Buzan - là “Ngày Tony Buzan” nhằm lan tỏa lý tưởng của ông về phương pháp học tập nhẹ nhàng, dễ nhớ. Đồng thời, Quỹ Tony Buzan được khởi tạo tại Việt Nam vào ngày 17.12 để lan tỏa phương pháp mindmap, môn thể thao trí nhớ ngày càng sâu rộng ở Việt Nam và Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực là đơn vị đầu tiên đóng góp 500 triệu đồng cho quỹ này.

Trong “Ngày Tony Buzan”, các hoạt động nhân văn phi lợi nhuận sẽ được tổ chức với mục đích tưởng nhớ, tri ân sự nghiệp cống hiến, trưng bày kỷ vật, triển lãm sách và các hoạt động sơ đồ tư duy, siêu trí nhớ dành cho cộng đồng yêu thích phương pháp học tập thông minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.