Việt Nam - Philippines duy trì ổn định ở Biển Đông

30/09/2016 07:37 GMT+7

Tại cuộc hội đàm sáng 29.9, Tổng thống CH Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và nhanh chóng hợp tác nhằm đạt được COC.

Cuộc hội đàm diễn ra nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 28 - 29.9 của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Định hướng quan hệ hai nước phát triển trong giai đoạn mới, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị ngoại giao thông qua trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp; thúc đẩy quan hệ trên các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân; nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có.
Tái khẳng định lập trường về phán quyết Biển Đông
Trong tuyên bố chung đưa ra nhân chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng hợp tác nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời tái khẳng định lập trường của mỗi nước về phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực hơn nữa để khai thác hiệu quả những tiềm năng của hai nước. Chủ tịch nước hoan nghênh các nhà đầu tư của Philippines đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dịch vụ du lịch và đề nghị Philippines tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam tham gia các lĩnh vực hạ tầng, thăm dò khai thác dầu khí, khai khoáng, dịch vụ tại Philippines. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thương mại gạo trong giai đoạn mới, theo đó, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ cung cấp gạo ổn định, lâu dài cho Philippines.
An ninh, quốc phòng là trụ cột quan trọng
Hai bên đánh giá hợp tác an ninh, quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước; đồng thời nhất trí tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, trong đó có cơ chế Đối thoại chính sách cấp thứ trưởng quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí giao các cơ quan an ninh của hai bên tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, chống khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy và buôn bán người, đồng thời sớm đàm phán, ký kết hiệp định dẫn độ và hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực hợp tác khác như: biển và đại dương, nông nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa du lịch, giao lưu nhân dân, giáo dục...
Chủ tịch nước đánh giá cao chính phủ Philippines đã đối xử nhân đạo và hợp tác tích cực trong vấn đề ngư dân, tàu thuyền trong những năm qua; đồng thời đề nghị Philippines xem xét thả hết số ngư dân VN đang bị giam giữ.
“Việt Nam là tấm gương để Philippines học tập”
Cùng ngày, Tổng thống Philippines đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; chào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tiếp đoàn đại biểu doanh nghiệp Việt Nam đến chào xã giao...
Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Duterte chia sẻ, khi còn trẻ, một trong những mơ ước của ông là được thăm Việt Nam. Ông cũng thường hay đọc sách về Việt Nam; rất ngưỡng mộ Việt Nam chiến thắng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngưỡng mộ thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước; coi Việt Nam là một tấm gương để Philippines học tập. Tổng thống đánh giá cao những gì mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Philippines, nhất là cung cấp gạo giúp Philippines không bị thiếu lương thực trong lúc khó khăn. Việt Nam luôn là người anh em, láng giềng tốt của Philippines.
Tối 29.9, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì tiệc chiêu đãi chào mừng Tổng thống Duterte và đoàn đại biểu cấp cao Philippines. Trong đêm hôm qua, Tổng thống Duterte rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Philippines không thể hy sinh lợi ích ở Biển Đông
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Rodrigo Duterte thu hút sự quan tâm lớn của truyền thông quốc tế trong bối cảnh Philippines có nhiều hành động được cho là rời xa đồng minh Mỹ và tiến gần Trung Quốc. Giới quan sát đánh giá xu hướng này có thể gây quan ngại cho Việt Nam, như nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore): “Việt Nam hẳn không muốn ông Duterte có thỏa thuận riêng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, gây bất lợi cho Việt Nam và các quốc gia liên quan”. Chính vì vậy, Lập trường Biển Đông của Duterte đối mặt thử thách trong chuyến thăm Hà Nội là tựa đề bản tin ngày 29.9 của Bloomberg được nhiều báo trong khu vực đăng lại.
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ 3 của ông Duterte kể từ khi nhậm chức ngày 30.6.2016, sau Lào (để dự Hội nghị cấp cao ASEAN) và Indonesia (trên đường trở về từ Lào). Nhận xét với Thanh Niên, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng việc ông Duterte chọn Việt Nam là một trong những nước ông đến thăm trước nhất thể hiện tầm quan trọng gia tăng của quan hệ song phương, khi hai nước giờ đây là đối tác chiến lược và có nhiều lợi ích song trùng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Việc ông Duterte có động thái khôi phục quan hệ với Bắc Kinh, theo tiến sĩ Hiệp, là nhằm tận dụng quan hệ thương mại và đầu tư từ Trung Quốc để giúp tăng trưởng kinh tế trong nước. “Tuy nhiên, ông Duterte sẽ không thể vì mục đích này mà hy sinh lợi ích của Philippines trong vấn đề Biển Đông”, tiến sĩ Hiệp nói và cho rằng đối với Việt Nam, ông Duterte có thể tìm cách trấn an Hà Nội rằng Philippines sẽ vẫn duy trì những nguyên tắc nhất định trong giải quyết vấn đề Biển Đông, như chống lại việc sử dụng vũ lực, nhấn mạnh vai trò của việc tuân thủ luật pháp quốc tế...
Thục Minh (VP Singapore)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.