Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20: Vụ Hà thành đầu độc

06/06/2022 06:44 GMT+7

Hà thành đầu độc là hoạt động có sự kết hợp giữa các đồng chí của cụ Phan Bội Châu và đảng Nghĩa Hưng do Đề Thám thành lập và lãnh đạo. Mục đích chính của vụ đầu độc nhằm vô hiệu hóa hầu hết lính Pháp đóng quân trong phạm vi Hà Nội, để nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đánh úp đầu não của bộ máy thuộc địa ở Đông Dương.

Kế hoạch hành động cụ thể bao gồm 2 bước chính: Một là đầu độc lính Pháp tại một cửa hàng ăn trong một khu phố nghèo ở Hà Nội, nơi có rất đông lính Pháp đến ăn cơm mỗi ngày. Nhiều đầu bếp và người dọn bàn ở cửa hàng này là đảng viên và cảm tình viên của đảng Nghĩa Hưng.

Hai là đúng 9 giờ đêm 27.6.1908, sau khi cuộc đầu độc thành công, quân của Hoàng Hoa Thám dưới sự chỉ huy của Cai Ngà, Cai Hiền, Đội Đàm, Đội Hổ sẽ tấn công bất thần các cứ điểm quan trọng ở Hà Nội như cửa Bắc thành Hà Nội, Cầu Giấy, nhà ga Gia Lâm, chặn đứng các nguồn tiếp viện từ Sơn Tây, Bắc Ninh... Đêm ấy, đích thân Hoàng Hoa Thám sẽ có mặt ở vùng đồi núi Yên Thế, liên lạc với lực lượng nổi dậy tại Hà Nội qua một đường dây ở tỉnh Phúc Yên (Marr David G. - Vietnamese Anticolonialism 1885 - 1925, NXB Berkeley-1971, trang 193).

Ba thanh niên bị án tử hình trong vụ Hà thành đầu độc

TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN

Kế hoạch được bàn thảo khá kín đáo, tỉ mỉ, nhưng vẫn không tránh được sự rò rỉ thông tin ra ngoài. Theo tập sách Histoire militaire de I’Indochine des débuts à nos jours (Lịch sử quân sự Đông Dương, từ khởi thủy đến ngày nay) xuất bản tại Hà Nội năm 1922, 3 ngày trước khi kế hoạch được tiến hành (24.6.1908), viên tướng chỉ huy pháo binh Pháp nhận được lá thư nặc danh của một người bản xứ thông báo về âm mưu tấn công Hà Nội của quân dân Việt Nam, trong đó có cả lính bản xứ thuộc đại đội lính thợ pháo binh. Đồng thời với lá thư trên, một nguồn tin xuất phát từ viên trung úy Delmont-Babet, đại đội trưởng đại đội lính thợ cũng đưa ra những chi tiết tương tự. Nội vụ được báo cáo ngay cho viên Thống sứ Bắc kỳ là Morel và một cuộc điều tra đã được Pháp cho tiến hành ngay.

Phản ứng sớm sủa của Pháp khiến nhiều người trong lực lượng cách mạng chột dạ, mất bình tĩnh. Sáng ngày 27.6, sau khi nhận nhiệm vụ do đảng Nghĩa Hưng giao, vì quá sợ, một viên cai khố đỏ tên là Trưởng đã đến trình diện viên trung úy Pháp Delmont, khai hết kế hoạch đánh úp Hà Nội của nghĩa quân. Y cũng xin được tống giam tại chỗ để tránh sự trừng phạt của đồng đội. Tuy nhiên, có lẽ cai Trưởng thuộc bộ phận tấn công quân sự và không biết gì về kế hoạch đầu độc (hoặc có biết nhưng không đành tâm khai hết) nên thực dân Pháp chỉ tổ chức bố phòng cẩn mật tại các đồn bót mà thôi.

4 giờ chiều ngày hôm ấy, Cai Ngà đem thuốc độc chế bằng cà độc dược pha trộn với nhân ngôn phân phối cho các đầu bếp đã được giao nhiệm vụ. Đêm đó, kế hoạch đầu độc đã được thực hiện trót lọt, 200 tên lính Pháp bị ngộ độc, nhưng có lẽ liều lượng độc chất còn ít nên không gây ra một trường hợp tử vong nào. Một số tên bị mất trí tạm thời, xé toang quần áo, la hét, leo lên xe đạp phóng như bay trên đường phố Hà Nội. Cuối cùng, nhờ sự tận lực cứu chữa của các bác sĩ Pháp, bọn họ dần hồi tỉnh.

Những thanh niên yêu nước bị Pháp bắt trong vụ Hà thành đầu độc

Theo tác phẩm của Marr David G. (sđd), một anh lính Việt Nam sau khi bỏ thuốc độc vào cơm bọn lính Pháp bỗng đâm hoảng, chạy đến gặp một linh mục Pháp để xưng tội. Nhà tu hành này vội gọi điện thoại báo ngay cho các giới chức quân sự Pháp. Bọn thực dân đã ban lệnh báo động và giới nghiêm toàn khu vực Hà Nội, giải giới tất cả lính bản xứ đang ở trong quân đội của họ, ngăn chặn cửa vào thành phố và rải những toán tuần tiễu đi khắp nơi.

Như vậy, kế hoạch đánh úp Hà Nội của lực lượng kháng chiến Việt Nam đã bị phá sản từ trong trứng nước. Sau khi đã yên tâm về các biện pháp bố phòng, thực dân Pháp bắt đầu cuộc khủng bố. Cai Ngà và một số đầu bếp người Việt bị bắt giữ trước tiên, sau đó đến những người được phân công nổi dậy và đầu độc lính Pháp, kể cả một số thường dân. Họ không phải là những nhà cách mạng có tên tuổi như trong vụ kháng thuế diễn ra hồi tháng 3, nhưng số lượng đông đảo người bị bắt giữ là một tổn thất lớn cho phong trào cách mạng đương thời.

Ngày 29.6.1908, thực dân Pháp triệu tập khẩn cấp Hội đồng đề hình do Thanh tra bản xứ vụ De Miribel và Công sứ Hà Đông Duvillier chủ tọa để xét xử những người bị bắt. Sau những cuộc thẩm vấn kéo dài, ngày 27.11.1908, hội đồng này đã tuyên 12 án tử hình, 6 án tử hình khiếm diện, 4 án chung thân và 31 án tù có thời hạn khác. Trong số những người bị án tử hình có Cai Ngà, Đội Đàm, Đội Hổ, bếp Xuân và cả bà hàng cơm Nguyễn Thị Ba, tất cả đều bị chém đầu ngay sau đó. (còn tiếp)

Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20

“Loạn đầu bào” ở Quảng Nam

Đông Kinh Nghĩa Thục

Các nhà cách mạng Việt Nam và hạm đội Sa Hoàng

Cuộc chiến Nga - Nhật

Cụ Phan Châu Trinh hội kiến với Đề Thám

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.