Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20: Cuộc nổi dậy của 'hoàng đế' Phan Xích Long

08/06/2022 06:22 GMT+7

Năm 1913, bên cạnh những biến động ở miền Bắc, trong Nam, việc một thanh niên vô danh đột nhiên tự xưng hoàng đế và kêu gọi lật đổ thực dân Pháp đã lôi cuốn sự quan tâm của người dân toàn miền đất Nam kỳ.

Nhân vật kỳ lạ này có tên Phan Phát Sanh, tự Lạc, sinh năm 1893, là con trai một người gốc Hoa tên Phan Núi, làm cảnh sát ở Chợ Lớn. Khi còn rất nhỏ, Phát Sanh đã hành nghề bói toán, qua lại giữa Việt Nam và Xiêm (Thái Lan). Giữa năm 1911, ông ta cùng hai người bạn là Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Hiệp thành lập một tổ chức bí mật và tự xưng là hậu duệ của cựu hoàng Hàm Nghi đang bị lưu đày ở Algérie.

Khám lớn Sài Gòn (Maison centrale), nơi từng giam giữ “hoàng đế Phan Xích Long” (1913 - 1916)

TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN

Phan mặc áo nhà tu, xuôi ngược 6 tỉnh Nam kỳ, trong lúc những người bạn của ông tôn xưng một người đàn ông lớn tuổi tên Nguyễn Văn Kế, sống ở một ngôi làng gần Chợ Lớn, là “Phật sống”. Tiếng lành đồn xa, các giới nông dân và buôn bán tập trung đông đúc quanh chỗ ở của vị “Phật sống”, số vàng và bạc ủng hộ lên đến 1.500 đồng, một ngân khoản kha khá lúc bấy giờ (Marr David G. - Vietnamese Anticolonialism 1885 - 1925, NXB Berkeley-1971, trang 222).

Tháng 2.1912, ông Kế đột ngột qua đời, những đồng chí của Phan Phát Sanh nhân cơ hội này công bố rằng vị “Phật sống” đã trăn trối lại là hãy cử họ Phan lên làm hoàng đế. Thế là vào tháng 10 năm ấy, Phan Phát Sanh làm lễ đăng quang dưới danh xưng “Phan Xích Long hoàng đế” với sứ mạng đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam. Phan còn làm ra vẻ mình có trong tay một bức thư của Kỳ Ngoại hầu Cường Để công nhận ông ta thuộc dòng dõi hoàng gia.

Để hợp thức, “Phan Xích Long hoàng đế” sử dụng quốc ấn có hình đầu rồng và dòng chữ “Đại Minh quốc, Phan Xích Long hoàng đế, Thiên tử”, ông mang theo người một thanh kiếm khắc hàng chữ “Tiên đả hôn quân, hậu đả loạn thần”, đeo một chiếc vòng có chữ “Dân cống” (Marr David G. - sđd, trang 222).

Sau lễ đăng quang, “hoàng đế” được hộ tống về Thất Sơn (Châu Đốc), nơi đây người dân địa phương đã cất lên một ngôi chùa. Họ cũng xây dựng một nhà hàng nhỏ ở thị trấn bên cạnh là nơi tụ họp người, tập trung vũ khí và chất nổ để chuẩn bị một cuộc nổi dậy.

Phan Phát Sanh trong “triều phục” hoàng đế

Một tuyên cáo được in khắc trên các mảnh gỗ công bố ý định của Phan Phát Sanh là đánh Pháp và kêu gọi người dân ở chợ hãy bỏ trốn và chuyển đổi tiền giấy đang lưu hành ra tiền bằng đồng.

Đêm 23.3.1913, họ chuyển bom lên Sài Gòn và đặt ở những vị trí chiến lược, nhưng không một quả bom nào nổ cả. Năm ngày sau (28.3), mấy trăm người từ khắp nơi đổ về thành phố, tất cả mặc toàn đồ trắng, thoa thuốc để không bị nhận diện, song rất nhiều người bị bắt giữ.

Trước tòa án diễn ra vào tháng 11.1913, Phan Phát Sanh và những người cầm đầu cuộc nổi dậy không chối bỏ việc họ làm, công khai xác định là họ muốn lật đổ chế độ thực dân tại Việt Nam. Có 104 bản án tù được tuyên ra trong phiên tòa này, trong đó, họ Phan cùng 5 người khác bị án chung thân khổ sai và giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn.

Năm 1913 đó, vụ án “Phan Xích Long hoàng đế” gây chấn động cả nước, song không kết thúc ở đó. Hơn hai năm sau, vào tháng 2.1916, vụ âm mưu phá Khám lớn Sài Gòn để giải cứu Phan Phát Sanh thêm một lần nữa gây chấn động cả Sài Gòn và các tỉnh miền Tây.

Ngày 14.2.1916, khoảng 300 người đi dọc theo bờ sông Sài Gòn và chia thành nhiều nhóm tiến thẳng đến Khám lớn, vừa đi vừa hô nhiều khẩu hiệu khác nhau. Một số người chạy thẳng đến trụ sở cảnh sát, bị bắn, phải dạt về phía cầu tàu. Không chỉ ở Sài Gòn, tại nhiều tỉnh khác cũng có những cuộc nổi dậy như thế. Tại Biên Hòa, người nổi dậy nhắm vào khám đường của tỉnh. Tại Thủ Dầu Một, họ chưa kịp kéo về Sài Gòn đã bị chặn đứng. Tại Bến Tre, họ phá hủy văn khố địa phương, đốt cháy cửa hàng của người Tàu. Tại Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu), một nhóm người có vũ khí định chiếm lấy cơ sở quân sự ở đây nhưng thất bại. Một quả bom bị phát hiện ở Mỹ Tho; tại Long Xuyên, nhiều ngôi nhà bị cướp phá…

Hiếm có cuộc nổi dậy nào diễn ra một cách rộng rãi như vụ biến động ngày 14.2.1916, với sự tham dự của người dân nhiều tỉnh thành khác nhau, song rồi cũng phải chấp nhận thất bại. “Phan Xích Long hoàng đế” chẳng những không được cứu thoát mà còn phải ra trước một “Hội đồng chiến tranh Pháp” (Marr David G. - sđd, trang 231) và bản án là một cuộc thảm sát chưa từng có: Phan Phát Sanh cùng 50 người khác bị tuyên án tử hình, số người bị giam cầm không rõ là bao nhiêu. Họ bị xử bắn tại Đồng Mả mồ (Plaine des Tombeaux) làm hai đợt, vào các ngày 22.2 và 16.3.1916.

Dù thất bại, nhưng tinh thần bất khuất của Phan Phát Sanh và nhiều người yêu nước khác đáng được người đời sau ghi nhận, riêng họ Phan hiện được đặt tên cho nhiều con đường tại TP.HCM và các địa phương khác. (còn tiếp)

Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20

Phút sa cơ của hùm thiêng Yên Thế

Vụ Hà thành đầu độc

“Loạn đầu bào” ở Quảng Nam

Đông Kinh Nghĩa Thục

Các nhà cách mạng Việt Nam và hạm đội Sa Hoàng

Cuộc chiến Nga - Nhật

Cụ Phan Châu Trinh hội kiến với Đề Thám

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.