Việt Nam - New Zealand nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược

Vũ Hân
Vũ Hân
22/07/2020 17:52 GMT+7

Hôm nay, 22.7, Thủ tướng hai nước đã chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - New Zealand lên Đối tác Chiến lược .

Đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng

Sáng 22.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã đồng chủ trì Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam - New Zealand, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ của cả hai Chính phủ.
Nhân dịp kỷ 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - New Zealand (1975 - 2020), tiếp nối đà phát triển tích cực và bền vững của quan hệ Đối tác Toàn diện thiết lập năm 2009, trên cơ sở lợi ích, tầm nhìn chung và mức độ tin cậy ngày càng sâu sắc giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Jacinda Ardern đã cùng tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam - New Zealand lên Đối tác Chiến lược.
Hai Thủ tướng tin tưởng khuôn khổ quan hệ mới sẽ tạo xung lực thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hoà bình và thịnh vượng của khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương
Hai Thủ tướng nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước sớm xây dựng Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược, trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn trên các kênh đảng, chính phủ và quốc hội, tổ chức gặp định kỳ giữa hai Thủ tướng, các cuộc họp thường niên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Công thương, giữa lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan Cảnh sát New Zealand, cũng như các cơ chế đối thoại song phương về nông nghiệp, hợp tác biển và các vấn đề cùng quan tâm khác.

Việt Nam và New Zealand chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng trong vấn đề trên biển

Ảnh BNG

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh theo hướng ngày càng thực chất thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, tham vấn chính sách, thăm cảng, hợp tác huấn luyện và đào tạo, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hai bên cũng nhấn mạnh quyết tâm nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân.

Kêu gọi thượng tôn pháp luật trên Biển Đông

Hai Thủ tướng khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt khi Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN 2020, Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, trong khi New Zealand chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APEC năm 2021, hai nước cùng là thành viên tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và RCEP.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam và New Zealand có quan điểm và lợi ích tương đồng trên nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cùng ủng hộ chủ nghĩa đa phương và trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ.
Trong khi tiếp tục bày tỏ quan ngại về các diễn biến ở Biển Đông, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ pháp lý vững chắc điều chỉnh tất cả hoạt động ở các vùng biển và đại dương, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.
Nhân dịp Hội đàm cấp cao và nâng cấp quan hệ, hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand và công bố 4 văn kiện hợp tác được ký kết nhân dịp này, gồm:
Thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Các ngành cơ bản New Zealand về tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông lâm nghiệp và thuỷ sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử.
Kế hoạch hợp tác chiến lược về giáo dục giai đoạn 2020 - 2023 giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam và Cơ quan Giáo dục New Zealand.
Biên bản ghi nhớ về hợp tác tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố New Zealand.
Thoả thuận giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Việt Nam và Cơ quan hợp tác liên Chính phủ New Zealand về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.