Việt Nam lên tiếng về việc Mỹ cung cấp thêm tàu tuần tra cho Cảnh sát biển

Vũ Hân
Vũ Hân
21/11/2019 17:44 GMT+7

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ trong thời gian qua đã duy trì và tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh - quốc phòng .

Chuyển giao tàu tuần tra là một biểu tượng của mối quan hệ được củng cố giữa Việt Nam và Mỹ

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 21.11, phóng viên đã đặt câu hỏi về thông tin phía Mỹ sẽ chuyển giao thêm 1 tàu tuần tra cho Việt Nam được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, đề nghị cung cấp thêm thông tin chi tiết về loại tàu và thời điểm chuyển giao.
Trả lời câu hỏi này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ trong thời gian qua đã duy trì và tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh và quốc phòng.
Trên cơ sở những thỏa thuận 2 bên đã đạt được, như: Bản ghi nhớ năm 2011 về hợp tác quốc phòng, Tuyên bố về tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2015 và Kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018 -2020, hai bên đã tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, thông tin về loại tàu và thời điểm chuyển giao chưa được bà Hằng tiết lộ, chỉ cho biết “sẽ được các cơ quan chức năng thông báo vào thời điểm thích hợp”.
Trước đó, tại buổi nói chuyện với các sinh viên và giảng viên Học viện Ngoại giao sáng 20.11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thông báo việc Mỹ sẽ cung cấp cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chiếc tàu tuần tra thứ hai vào năm tới, nhưng không nói rõ thời điểm và loại tàu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cùng Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng tại buổi nói chuyện hôm 20.11

Ảnh V.H

Tại đây, ông Esper cũng khẳng định việc củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực là một yếu tố quan trọng trong chiến lược Quốc phòng của Mỹ, trong đó mối quan hệ ngày càng phát triển của Mỹ với Việt Nam.
“Chúng tôi cam kết mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược này bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung như an ninh hàng hải, hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Điều này bao gồm cung cấp cho Việt Nam những năng lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên để có thể tiếp tục phát triển”, ông Esper nói, và cho rằng tàu tuần tra mà phía Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam là một biểu tượng của mối quan hệ song phương được củng cố giữa Việt Nam và Mỹ.

Từ 2.000 năm trước, Việt Nam đã không chấp nhận “chân lý thuộc về kẻ mạnh”

Nhắc lại một trật tự cổ xưa, khi “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, Bộ trưởng Esper cho rằng điều này trái với các nguyên tắc mà thế giới ngày nay mong đợi. Loại hành vi này chạy ngược lại với hệ thống mà thế giới đã xây dựng và hưởng lợi từ 70 năm qua, sau Thế chiến thứ 2.
Tuy nhiên, theo ông Esper, các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng bị o ép và đe dọa theo những cách thách thức nền tảng cơ bản của trật tự dựa trên luật lệ, trên các quy tắc tự do và cởi mở.
“Những gì chúng ta hiện đang chứng kiến ở Biển Đông là một ví dụ điển hình cho hành vi này. Thời kỳ hòa bình dài, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của gần như mọi quốc gia châu Á, đang mang lại cho Trung Quốc một phong cách ứng xử mới là xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia khác. Gần đây, chúng ta đã chứng kiến hành vi này ở Malaysia, Philippines và ngay tại Việt Nam, với sự quấy rối các hoạt động dầu khí lâu năm quanh khu vực bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
“Kết hợp với việc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc đã đơn phương cố gắng khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, đe dọa các quốc gia khác tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của mình, làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực và tăng nguy cơ xung đột”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh thêm.
Nhắc lại khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ thời Hán, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định, từ gần 2.000 năm trước, dân tộc Việt Nam đã không chấp nhận “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Ông Esper đồng thời khẳng định lập trường kiên quyết phản đối sự đe dọa nào để khẳng định các yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải, cũng như kêu gọi "chấm dứt các hoạt động bắt nạt và bất hợp pháp đang tác động tiêu cực đến các quốc gia ven biển trong khu vực ASEAN”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.