Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan hợp tác đảm bảo an ninh nguồn nước Mê Kông

Mai Hà
Mai Hà
05/04/2023 20:01 GMT+7

Sau Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại Lào sáng nay 5.4, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã thông qua Tuyên bố chung Vientiane của 4 nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.

Tại Tuyên bố chung Vientiane, các nước khẳng định những thách thức ngày một lớn, cũng như rủi ro và cơ hội đối với các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông hiện nay.

Việc quản lý tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho lưu vực sông Mê Kông là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cần phải tìm ra những ý tưởng mới và phương thức hợp tác sáng tạo để xử lý các rủi ro.

Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan hợp tác đảm bảo an ninh nguồn nước Mê Kông - Ảnh 1.

Lãnh đạo 4 nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan

NHẬT BẮC

4 nước tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Kông 1995. Ủy hội sông Mê Kông có vai trò như một cơ quan ngoại giao và hợp tác về tài nguyên nước hàng đầu trong khu vực.

Tuyên bố chung cũng khẳng định lại những thành tựu kể từ Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 3 trước đó. Trong đó, có việc tăng cường quan hệ đối tác quan trọng, như quan hệ hợp tác Mê Kông - Lan Thương, quan hệ đối tác Mê Kông - Mỹ, hợp tác Mê Kông - Nhật Bản, hợp tác Mê Kông - Hàn Quốc...

Các nước cũng đã chủ động ứng phó với các thách thức của lưu vực bao gồm phối hợp trong phát triển thủy điện, thủy lợi, giao thông thủy và các hoạt động phát triển tài nguyên nước bền vững khác.

Hỗ trợ giảm tác động bất lợi đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương do lũ lụt và hạn hán thông qua thiết lập hệ thống dự báo lũ lụt và hạn hán chính xác hơn với các công cụ hiện đại, cùng với sự hợp tác trong cảnh báo sớm và chuẩn bị sẵn sàng cho ứng phó với thảm họa thông qua quản lý tổng hợp về lũ lụt và hạn hán.

Tại Tuyên bố chung Vientiane, 4 nước tiếp tục công nhận rằng dù việc phát triển và sử dụng nguồn nước của sông Mê Kông đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến môi trường lưu vực và các cộng đồng dễ bị tổn thương, trong đó có các tác động xuyên biên giới cần phải phối hợp giải quyết. Đặc biệt khi các tác động trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, như lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, xói lở và bồi lắng lòng bờ sông; suy thoái các giá trị môi trường và suy giảm nguồn lợi thủy sản do dòng sông bị chia cắt.

Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan hợp tác đảm bảo an ninh nguồn nước Mê Kông - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tham dự hội nghị

NHẬT BẮC

7 lĩnh vực hành động ưu tiên

Nhà lãnh đạo 4 nước cũng kêu gọi Ủy hội sông Mê Kông, tất cả các đối tác và các bên liên quan phối hợp tìm ra các giải pháp sáng tạo để ứng phó với những thách thức, nắm bắt cơ hội và tăng cường hợp tác vì một lưu vực sông Mê Kông bền vững và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Theo đó, đưa ra các giải pháp ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, hỗ trợ triển khai các quy hoạch ngành khác chẳng hạn như sản xuất năng lượng tái tạo, kết nối và nâng cấp mạng lưới truyền tải điện của khu vực...

Hỗ trợ các quốc gia trong trợ giúp các cộng đồng thích ứng với các biến động của dòng sông thông qua việc đảm bảo một hệ thống thông tin liên lạc thông suốt.

Tăng cường sử dụng công nghệ trong thực hiện tất cả các chức năng quản lý lưu vực sông từ công tác theo dõi, giám sát và quản lý vận hành công trình tới công tác đánh giá và lập kế hoạch, chiến lược dài hạn.

Đảm bảo rằng các hoạt động tham vấn được thực hiện hiệu quả hơn thông qua một diễn đàn của các bên liên quan toàn lưu vực. Duy trì và tìm kiếm nguồn tài chính mới để hỗ trợ các nỗ lực nêu trên bao gồm các nguồn từ nhà nước và tư nhân, và các cơ chế hỗ trợ tài chính toàn cầu.

Chuyển đổi bền vững để Ủy hội tự chủ vào năm 2030; xây dựng một mạng lưới giám sát sông Mê Kông hiệu quả về mặt tài chính.

Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh sự thay đổi mang tính chiến lược về quy hoạch lưu vực chủ động và thích ứng, phối hợp trong quản lý vận hành các công trình. Đồng thời, kêu gọi tất cả các quốc gia trong lưu vực, các đối tác và các bên có liên quan duy trì thực hiện Hiệp định Mê Kông năm 1995, hỗ trợ việc triển khai Chiến lược phát triển lưu vực giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với Tuyên bố chung và "Tinh thần Mê Kông".

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 5 sẽ được tổ chức vào năm 2026 tại Thái Lan.

Thúc đẩy các dự án trọng điểm bến cảng Vũng Áng, sân bay Nỏng Khạng

Chiều 5.4, trước khi rời Vientiane (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. Hai bên nhất trí nỗ lực triển khai Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt - Lào giai đoạn 2021 - 2030, Hiệp định hợp tác song phương Việt - Lào 2021 - 2023 và các thỏa thuận cấp cao, kế hoạch hợp tác đã ký trên các lĩnh vực. Tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng; phối hợp phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục nâng tầm hợp tác kinh tế; hỗ trợ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tăng cường kết nối hai nền kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án viện trợ. Đặc biệt, quyết tâm tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm một số tồn đọng và thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm như bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3; sân bay Nỏng Khạng; các dự án kết nối giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng đông - tây…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN/AIPA vào năm 2024.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.