Việt Nam là nước đầu tiên sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi

01/06/2022 17:56 GMT+7

Dịch tả lợn châu Phi được ghi nhận lần đầu tiên trên thế giới cách đây hơn 100 năm nhưng đến nay Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi .

Hôm nay 1.6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã gặp gỡ báo chí thông tin về thành công trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.

Hợp tác với Mỹ sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi

Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921.

Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn (bao gồm cả lợn nuôi các loại và lợn rừng).

Việt Nam công bố sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi

Thanh Niên

Bệnh này gây tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy, nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học.

Cũng theo ông Tiến, thành công này là thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam, bởi đã hơn 100 năm qua, kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và đã có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến vi rút dịch tả lợn châu Phi và phát triển vắc xin của các nhà khoa học được công bố nhưng trên thế giới chưa có vắc xin thương mại phòng bệnh này. Việt Nam là nước đầu tiên công bố sản xuất thương mại vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi.

Giải thích về thành công này của Việt Nam, ông Tiến cho biết, đầu tháng 11.2019, các nhà khoa học của Mỹ đã công bố nghiên cứu thành công chủng vi rút dịch tả lợn châu Phi nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L. Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngay trong tháng 11.2019, Bộ NN-PTNT cử lãnh đạo Cục Thú y sang Mỹ dự họp, gặp trực tiếp với các chuyên gia Mỹ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Đến tháng 2.2020, Việt Nam đã phối hợp với chuyên gia Mỹ trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Theo đó, Cục Thú y thống nhất và ký thỏa thuận chung (MOU) hợp tác kỹ thuật với Viện Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện.

Từ tháng 7.2020, Bộ NN-PTNT cho phép nhập khẩu chủng giống vi rút dịch tả lợn châu Phi nhược độc cắt gen dùng để nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.

Vắc xin có giá 34.000 - 36.000 đồng/liều

Ông Phùng Đức Tiến cũng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận chủng giống chủng vi rút ASFV-G-∆I177L từ Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 9.2020, Công ty cổ phần thuốc thú y T.Ư (Navetco) đã khẩn trương triển khai nghiên cứu và trải qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, kết quả 100% số lợn tiêm vắc xin được bảo hộ khi công cường độc trong phòng thí nghiệm.

Trong điều kiện sản xuất đã bảo hộ được trên 80% số lợn được tiêm vắc xin khi công cường độc với chủng vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam. Độ dài miễn dịch của vắc xin kéo dài 6 tháng sau tiêm phòng.

Kết quả này khẳng định Việt Nam chính thức sản xuất được vắc xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng, góp phần bảo vệ an toàn cho chăn nuôi, sản xuất lợn thịt.

Liên quan đến giá thành thương mại của vắc xin dịch tả lợn châu Phi, ông Trần Xuân Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuốc thú y T.Ư (Navetco), cho biết dự kiến giá thành của vắc xin dịch tả lợn châu Phi chỉ từ 34.000 - 36.000 đồng/liều, tương đương với giá vắc xin phòng bệnh tai xanh.

Ông Hạnh khẳng định, giá vắc xin sau này sẽ còn giảm bởi thời gian đầu doanh nghiệp phải trả phí cho việc chuyển giao, mua giống và thương mại vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho phía Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.