Việt Nam là nguồn cung gạo số 1 thế giới

Chí Nhân
Chí Nhân
08/11/2023 14:42 GMT+7

Ngân hàng thế giới (WB) dự báo giá gạo sẽ không hạ nhiệt trước 2025 thì các quốc gia đông dân như Ấn Độ và Indonesia đang kéo dài các chương trình cấp phát gạo miễn phí cho dân nghèo nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Còn các nước xuất khẩu như Thái Lan và Pakistan đang khuyến khích tạm trữ, áp giá sàn xuất khẩu… Riêng Việt Nam vẫn là nguồn cung gạo số 1 thế giới.

Tính đến hết tháng 10, Việt Nam vẫn đang là nguồn cung gạo đứng đầu thế giới. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng qua Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo. Con số này tương đương với năm 2022 và cả năm 2023 có thể đạt tới 8 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy Việt Nam đang đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an ninh lương thực. 

Các nước đang chạy đua với an ninh lương thực ra sao? - Ảnh 1.

An ninh lương thực là mối lo lớn của nhiều quốc gia

CÔNG HÂN

Nguồn cung gạo lớn thứ 2 thế giới trong năm 2022 là Thái Lan. Thống kê của Hải quan và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết xuất khẩu gạo đến hết tháng 10 mới đạt 6,88 triệu tấn. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm 2023, người Thái vẫn có thể tăng tốc và đạt tổng lượng gạo xuất khẩu lên tới 8,5 triệu tấn, do lượng gạo mới thu hoạch còn nhiều.

Giá gạo thế giới tăng, khiến giá gạo nội địa ngay cả các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam và Thái Lan cũng tăng. Để đối phó, Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch hỗ trợ vốn và lãi suất để người dân và doanh nghiệp tạm trữ từ 1 - 5 tháng sau khi thu hoạch để ổn định thị trường. Nguy cơ giá gạo nội địa Thái Lan tiếp tục tăng trong thời gian tới do trong mùa mưa vừa kết thúc, vùng đông bắc nước này ít mưa hơn bình thường vì tác động của hiện tượng thời tiết EL Nino. Chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất để tạm trữ lúa gạo của Thái Lan có thể khiến nguồn cung gạo trên phạm vi toàn cầu thêm hạn chế.

Bên cạnh Thái Lan, một trong những nguồn cung gạo lớn trên thế giới là Pakistan ngày 7.11 cũng ban hành giá sàn các mặt hàng gạo xuất khẩu. Cụ thể, gạo 5% tấm có giá sàn xuất khẩu là 540 USD/tấn (giá giao dịch trên thị trường 568 USD/tấn), gạo Basmati có giá sàn 900 USD/tấn. Chính sách được ban hành nhằm hạn chế xuất khẩu và bảo đảm giá thu mua lúa trong dân.

Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo. Chính phủ nước này đang có kế hoạch tiếp tục chương trình trợ cấp gạo cho 800 triệu người dân có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ khỏi cơn "sốt giá" lương thực và mối đe dọa từ hiện tượng khô hạn EL Nino.

Đông dân và không tự chủ được nguồn cung lương thực trong nước, từ cuối năm 2022 Indonesia đã quay trở lại nhập khẩu gạo và dự kiến tiếp tục nhập khẩu trên 2 triệu tấn trong năm 2024 để đảm bảo an ninh lương thực. Mới đây, chính phủ Indonesia cũng cho biết sẽ gia hạn chương trình phân phát gạo hàng tháng cho đến tháng 6 năm 2024 thay vì kết thúc vào tháng 12.2023. Chương trình sẽ cấp phát gạo miễn phí cho 21,3 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp.

Còn theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), giá bán buôn gạo trung bình trong tháng 9 đạt 43,05 peso/kg, cao hơn 23,2% so với mức 34,93 peso/kg được ghi nhận một năm trước.

Nguồn cung gạo khan hiếm, khiến đầu tháng này một khách hàng mua gạo truyền thống của Việt Nam là Hàn Quốc cũng tìm kiếm nguồn cung mới từ thị trường Mỹ với số lượng gần 140.000 tấn.

Như Thanh Niên đã thông tin từ tháng 7.2023, trên thị trường gạo thế giới quyền quyết định giá vẫn nằm trong tay người bán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.