Việt Nam có thể ngưng điện than?

04/01/2020 07:41 GMT+7

Đề xuất ngưng 14 dự án nhiệt điện than.

Mới đây tại Hà Nội, các liên minh tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền - sức khỏe - môi trường - năng lượng - pháp lý (các liên minh) đã ra “Tuyên bố Hà Nội về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trên lãnh thổ Việt Nam”.

Đề xuất ngưng 14 dự án nhiệt điện than

Giảm điện than là xu hướng tất yếu phải làm nhưng ngưng hẳn thì cần lộ trình dài hơi hơn. Danh sách 14 dự án nhà máy điện than cần được xem xét kỹ lưỡng. Cơ quan hoạch định chính sách, đang xây dựng Quy hoạch điện 8 nên cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng với những kịch bản phát triển kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ... sau đó lựa chọn ra dự án nào có thể ngưng triển khai thì thông tin rộng rãi để người dân hiểu và yên tâm.    

TS Ngô Đức Lâm

Tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ cao độ của tất cả các liên minh với kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới thì dư luận không đồng tình.
Các liên minh nhấn mạnh nếu tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới theo Quy hoạch điện 7 sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ hủy hoại môi trường, khí hậu, sức khỏe con người, đe dọa sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội. Từ các phân tích trên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ nhiều tổ chức kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng cho tạm dừng triển khai các nhà máy nhiệt điện than mới để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của các dự án. Song song, cần chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp về kỹ thuật và kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT).
Trong danh sách 14 dự án nhà máy điện than đang được đề xuất ngưng thực hiện, có tới 6 nhà máy bị lãnh đạo tỉnh, thành phản đối hoặc dự tính chuyển đổi từ nhà máy nhiệt điện sang khí đốt hay các năng lượng xanh khác gồm: Nhà máy nhiệt điện Long An 1, Long An 2 (Long An); Nhà máy Quảng Ninh 3, Cẩm Phả 3 (Quảng Ninh) và 2 nhà máy Tân Phước 1, Tân Phước 2 (Tiền Giang).
Có 5 nhà máy (Quỳnh Lập, Quỳnh Lập 2 - Nghệ An; Vĩnh Tân 3 - Bình Thuận; Vũng Áng 3 - Hà Tĩnh và dự án An Khánh - Bắc Giang) đang bị cộng đồng xã hội và người dân địa phương phản đối. Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) đã trì hoãn 8 năm, trong khi 2 dự án Long Phú 2, Long Phú 3 ở địa phương này chưa tìm được nhà đầu tư. Tổng công suất điện dự kiến của 14 nhà máy được đề xuất ngưng là 17.390 MW.

Tránh 7.600 ca tử vong

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID), cho biết nghiên cứu phân tích tiềm năng đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia do Green ID phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và chuyên gia Nguyễn Quốc Khánh thực hiện đã chỉ ra rằng: Năm 2020 là năm đạt đỉnh của công suất điện than ở Việt Nam. Vì vậy, sau 2020, Việt Nam có khả năng không cần xây dựng thêm các nhà máy điện than mới mà vẫn đảm bảo được hệ thống năng lượng an toàn và khả thi về kinh tế. Nghiên cứu này dựa theo phương pháp chạy mô hình lựa chọn các nguồn điện có chi phí thấp nhất.
Khi xem xét cả chi phí môi trường xã hội vào giá thành thì tại thời điểm nghiên cứu (năm 2015) chi phí sản xuất điện từ mặt trời và gió đã cạnh tranh so với điện than. Nếu không xem xét chi phí môi trường, xã hội thì từ 2021 chi phí sản xuất các loại điện từ gió và mặt trời sẽ cạnh tranh so với điện than. Ngoài ra, tất cả các dự án trong danh sách kiến nghị dừng là những dự án bị chậm tiến độ, nếu triển khai xây sau năm 2020 thì đã trở thành nguồn điện đắt đỏ.
Bà Ngụy Thị Khanh nhận định nếu có các giải pháp quản lý nhu cầu và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đây sẽ là nguồn thay thế cho điện than. Theo ước tính tiềm năng này ở Việt Nam xấp xỉ 17.000 MW, tương đương với tổng công suất của các dự án kiến nghị dừng. Kịch bản nghiên cứu mà Green ID đề xuất, tỷ trọng cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch điện 7 dự kiến đến 2030, điện từ than chiếm 42,6%; khí tự nhiên chiếm 14,7% và NLTT chiếm 21%. Nếu Chính phủ có những quy định từ khuyến khích tới bắt buộc cùng chính sách ưu đãi thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thì chúng ta sẽ có kịch bản: Đến năm 2030, điện than chỉ còn chiếm 24,4%, NLTT tăng trưởng lên 30% và 22,8% nguồn điện còn lại từ khí tự nhiên.
“Nếu làm được điều này, sẽ không cần phải xây dựng thêm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than, tương đương khoảng 25 nhà máy vào năm 2030. Không phải huy động 60 tỉ USD vốn đầu tư cho những dự án nhiệt điện than này. Đồng thời, Việt Nam sẽ không phải đốt khoảng 70 triệu tấn than/năm tương ứng với 7 tỉ USD/năm cho việc nhập khẩu nhiên liệu than và quan trọng nhất là giảm phát thải 116 triệu tấn CO2/năm vào năm 2030 so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh; giảm phát thải bụi và các chất ô nhiễm không khí và nguồn nước. Ước tính kịch bản này sẽ giúp tránh được khoảng 7.600 ca tử vong sớm hằng năm vào năm 2030 so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh”, bà Khanh nhấn mạnh.

Chưa thể “thoát” điện than

Đồng tình quan điểm từ bỏ điện than, sử dụng NLTT là phương án hoàn hảo để bảo vệ môi trường, tuy nhiên theo TS Tô Vân Trường - chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, Việt Nam vẫn chưa thể ngưng phát triển điện than.
Ông Trường phân tích: Mặc dù điện gió và điện mặt trời có ưu điểm là ít gây tác động môi trường, hầu như không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, nhưng lại “đỏng đảnh”, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chiếm dụng nhiều đất đai (đặc biệt với các trang trại điện mặt trời). Trong khi đó, hiệu quả truyền tải thấp (điện mặt trời chỉ phát lên lưới khoảng 12 tiếng đồng hồ/ngày, nghĩa là có 12 tiếng lưới điện không được sử dụng nếu không có nguồn khác phát lên cùng tuyến truyền tải), chưa kể tới việc còn gây mất ổn định lưới trong quá trình vận hành khiến điều độ hệ thống phải huy động các nguồn dự phòng đắt tiền để bù đắp/ổn định lưới. Nói cách khác, NLTT như điện mặt trời, điện gió không ổn định và trồi sụt do thời tiết, nên phải có điện truyền thống chạy nền hỗ trợ như thủy điện, nhiệt điện than, khí hóa lỏng.
Mặt khác, mặc dù gần đây đã có nhiều tiến bộ trong công nghệ pin lưu trữ năng lượng, nhưng các hệ thống pin là hệ thống passive - tức là không tự phát ra điện mà phải sạc - nên trên thực tế một hệ thống điện mặt trời có kèm pin lưu trữ sẽ có công suất khả dụng phát lên lưới thấp hơn nhiều so với một hệ thống được hỗ trợ bởi các nguồn truyền thống. Các quốc gia có lợi thế thủy điện hay điện khí thường sử dụng hai dạng nguồn truyền thống này để ổn định lưới.
“Với Việt Nam thì thủy điện cũng đang bị “ném đá” không kém gì nhiệt điện than, còn điện khí thì khá đắt nên muốn cân đối vừa đủ điện phục vụ tăng trưởng kinh tế khá cao (hơn 7%/năm, đồng nghĩa với tăng trưởng điện năng hai con số) lại vừa sạch về môi trường, rẻ về chi phí là bài toán nan giải. Không thể bỏ ngay điện than và thay thế hơn 17.000 MW công suất điện từ 14 nhà máy nhiệt điện than kia bằng NLTT được. Nếu kiến nghị, chỉ nên đề xuất chấp thuận các dự án nhiệt điện than đạt tiêu chuẩn kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP), chứ nói dừng hẳn các dự án mới thì bất khả thi”, TS Tô Vân Trường nhấn mạnh.
Đồng tình, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cho rằng theo ước tính, đến 2030, nguồn điện từ NLTT chỉ có thể thay thế được khoảng 20% điện than nên việc dừng hẳn tất cả các dự án nhà máy nhiệt điện than gần như là không thể. Ngay cả trên thế giới, dự kiến đến năm 2040, điện than vẫn chiếm khoảng 25% tổng nguồn cung điện. Nhược điểm lớn nhất của điện gió, điện mặt trời là hệ thống vận hành chưa ổn định. Trong khi đó, an ninh năng lượng không chỉ quan tâm vấn đề môi trường, đủ năng lượng hay không mà còn phải đảm bảo ổn định từng giây từng phút.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.