Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu

Vũ Thơ
Vũ Thơ
12/11/2018 11:30 GMT+7

Tại hội thảo "Thanh niên với biến đổi khí hậu : Những thách thức hôm nay, giải pháp nào cho ngày mai" do T.Ư Đoàn và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) vừa tổ chức, các đại biểu đã đưa ra những thông tin đáng báo động.

Ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho biết tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng rõ rệt, khó lường, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, sinh thái, năng lượng và môi trường.
“Biến đổi khí hậu làm cho tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, như ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thu hẹp các diện tích sản xuất nông nghiệp... đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực, sinh thái, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam sẽ thiệt hại từ 1,5 - 1,7% GDP do biến đổi khí hậu, nếu không chủ động ứng phó”, ông Trí cảnh báo.
Ông Trí cho rằng, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng. Để chống biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội để phát triển, trách nhiệm của thế hệ trẻ là phải nhận thức đúng và đủ về nguyên nhân, diễn biến, tác động của biến đổi khí hậu, từ đó hiểu biết đầy đủ về thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu. Từ nhận thức đúng sẽ tạo ra tư duy, giải pháp đúng.
Theo ông Trí, thanh niên cần trang bị, cập nhật kiến thức, khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, để nghiên cứu, ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên như năng lượng, đất, nước… góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Đặc biệt, thanh niên cần tham gia trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn. Đây là giải pháp đa mục tiêu, góp phần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi, góp phần phát triển sinh kế bền vững cho người dân bản địa…
Theo Bộ trưởng Bộ Hành động và Tài chính công Pháp, ông Gérald Darmanin, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Vì vậy, thanh niên Việt Nam càng cần thiết phải chủ động tìm hiểu phương án ứng phó.
"Những quyết định mà các bạn thanh niên thực hiện ngày hôm nay sẽ có ý nghĩa rất lớn trong tương lai, bởi các bạn là thế hệ đầu tiên được giáo dục để nhận thức đầy đủ về biến đổi khí hậu, cũng là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hiện tượng này", ông Gérald Darmanin nói.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cũng cho rằng thanh niên và sinh viên Việt Nam, với sức trẻ, tâm huyết và tri thức sẽ là lực lượng tiên phong trong việc triển khai Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh...
Hơn 14.000 đội hình thanh niên bảo vệ môi trường
Tại hội thảo, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho biết thời gian qua, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường được các Tỉnh, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc phối hợp với ngành tài nguyên - môi trường tổ chức theo hướng cụ thể, thiết thực, hướng về cơ sở.
Trong đó, có các hoạt động tập trung xóa các điểm đen về môi trường, giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường tại địa phương.
Anh Lê Quốc Phong phát biểu tại hội thảo Ảnh Đông Hà
Một số mô hình và hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường như: đồng loạt ra quân thực hiện Ngày chủ nhật xanh, mô hình Giữ sạch cánh đồng quê hương, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng nhà tránh lũ, đội hình phòng chống ứng phó với bão lụt… phát huy được hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng.
Trong giai đoạn 2012 - 2017, Đoàn Thanh niên đã triển khai phong trào “Xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” với nhiều hoạt động thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội với hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ dòng sông quê hương được triển khai đa dạng. Các đợt ra quân cao điểm hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, Ngày Chủ nhật xanh, các hoạt động tham gia khắc phục sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung được tổ chức đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia, đạt hiệu quả thiết thực. Hơn 14.000 đội hình thanh niên bảo vệ môi trường được thành lập, hoạt động hiệu quả. Các cấp bộ Đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trồng hơn 22 triệu cây xanh, chăm sóc hơn 2.000 ha rừng…
Anh Phong cũng cho biết, các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp bộ Đoàn triển khai thường xuyên. Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn phối hợp với nhiều đơn vị trong nước, các tổ chức quốc tế tổ chức các hoạt động phối hợp, các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo về ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đưa ra các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp trong ứng phó với biến đổi khí hậu…
“Thông qua các giải pháp trên, Đoàn Thanh niên, tuổi trẻ Việt Nam tin tưởng sẽ là hạt nhân tích cực góp phần quan trọng trong kết quả chung của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi trước những tác động của biến đổi khí hậu”, anh Phong khẳng định. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.