Việt Nam chế tạo hangar kín cho trực thăng trên chiến hạm Đinh Tiên Hoàng

23/04/2019 20:01 GMT+7

Hình ảnh mới nhất về hangar kín chứa trực thăng trên chiến hạm 011 Đinh Tiên Hoàng gợi ý rất có thể ý tưởng này xuất phát từ hangar mái vòm trên tàu CSB 8020.

Biên đội tàu 011 Đinh Tiên Hoàng và 015 Trần Hưng Đạo của Hải quân Việt Nam xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, sau 1 tuần lễ hành trình đã đến cảng Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) vào ngày 21.4.

Biên đội này sẽ tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc và tham gia các hoạt động hải quân đa phương với hải quân các nước, theo lời mời của Hải quân Trung Quốc.

Chiến hạm 011 Đinh Tiên Hoàng khi chưa có hangar gắn thêm QĐND

Theo báo Hải quân, chuyến đi cũng nhằm mục đích huấn luyện, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, trình độ thao tác làm chủ trang bị mới cho bộ đội hải quân Việt Nam khi hoạt động dài ngày trên biển. Có 16 tàu của các nước Úc, Bangladesh, Brunei, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Nga, Thái Lan, Việt Nam tham dự sự kiện này.

Lai dắt chiến hạm 011 Đinh Tiên Hoàng vào cảng Thanh Đảo, Trung Quốc ngày 21.4.2019 pttnews.cc

Truyền thông Trung Quốc đã đăng tải những hình ảnh về cặp chiến hạm lớp Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm này. Đáng chú ý là phần hangar (nhà chứa máy bay) phía đuôi tàu 011 Đinh Tiên Hoàng đã có sự cải tiến rất độc đáo. Thay vì hangar ban đầu chỉ là một cấu trúc ngắn, chỉ chứa được phần đầu của trực thăng Ka-28 săn ngầm thì nay tàu Đinh Tiên Hoàng được gắn thêm phần nối dài đủ sức chứa trọn cả chiếc trực thăng.

Hangar gắn thêm của chiến hạm 011 Đinh Tiên Hoàng có thể kéo ra thu vào và có cả cửa cuốn Sina

Phần hangar gắn thêm có dạng hình thang, quan sát kỹ có thể thấy hangar gắn thêm gồm 2 phần lồng vào nhau, có thể điều khiển kéo ra thu vào được. Hanggar này còn trang bị cả cửa cuốn.

Kết cấu này khiến chúng ta liên tưởng đến hangar hình mái vòm lắp đặt trên tàu CSB 8020 vốn là tàu tuần duyên Morgenthau (lớp tàu tuần duyên cỡ lớn Hamilton) của Tuần duyên Mỹ loại biên và viện trợ cho Cảnh sát biển Việt Nam hồi năm 2017. Tàu lớp Hamilton ban đầu không có hangar, trực thăng chỉ đậu trên sàn đáp và được cố định bằng dây vào sàn. Đến những năm 1990, Tuần duyên Mỹ trang bị hangar cơ động dạng mái vòm, có cửa cuốn. Hangar gồm 2 phần, có thể kéo ra thu vào để chứa trực thăng.

Hangar mái vòm của tàu CSB 8020 Cảnh sát biển Việt Nam

Còn chiến hạm Gepard 3.9 do Nhà máy đóng tàu mang tên Gorky ở Zelenodolsk, CH Tatarstan (Nga) đóng cho Hải quân Việt Nam (tổng cộng 4 chiếc) là phiên bản xuất khẩu của lớp tàu Dự án 11661. Lớp tàu 11661 này Nga chỉ đóng 2 chiếc, trang bị cho Hải đội Caspi, không trang bị trực thăng. Tàu chiến lớp Gepard 3.9 đóng cho Hải quân Việt Nam thì có thêm phần hangar ngắn, chỉ chứa được phần đầu của trực thăng Ka-28 vốn là nơi có trang bị các thiết bị điện tử quan trọng gồm các cảm biến, sonar và radar dò tìm tàu ngầm.

Chiến hạm 015 Trần Hưng Đạo tại Thanh Đảo, Trung Quốc ngày 21.4. Hangar trên tàu vẫn là thiết kế ban đầu của nhà sản xuất Sina

Do hangar quá ngắn không chứa hết cả chiếc trực thăng, nên công tác bảo quản máy bay cũng khó khăn khi tàu di chuyển trên biển, phải dùng dây chằng buộc cố định, phủ vải bạt để tránh ảnh hưởng của thời tiết v.v.

Hangar nguyên thủy của chiến hạm Gepard 3.9 rất ngắn Thepictures.club
Cố định trực thăng Ka-28 trên chiến hạm 015 Trần Hưng Đạo tại cảng Sakai, Nhật Bản nhân chuyến thăm của Hải quân Việt Nam tại Nhật Bản đầu tháng 10.2018 Sankei News
Trực thăng Ka-28 trên chiến hạm 015 Trần Hưng Đạo chằng buộc chắc chắn để tránh bão, tại Yokosuka, Nhật Bản cuối tháng 9.2018 Ảnh: twitter NATHAN DAHL REVEN
Trực thăng Ka-28 săn ngầm tập luyện với chiến hạm 011 Đinh Tiên Hoàng (phải) và 012 Lý Thái Tổ Báo Hải quân

Với việc gắn thêm phần hangar cho chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và qua chuyến hải hành dài ngày này, hy vọng sáng kiến nói trên sẽ được áp dụng cho các chiến hạm Gepard còn lại của Hải quân Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.