Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vào ngày 8.3

06/03/2021 05:50 GMT+7

Các cơ quan y tế đang tích cực tổ chức, điều phối và lên kế hoạch tập huấn để có thể bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam từ ngày 8.3.

Hôm nay, tập huấn tiêm vắc xin

Ngày 5.3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp để nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh trong nước, dự báo tình hình thế giới, triển khai rà soát năng lực xét nghiệm, các loại sinh phẩm xét nghiệm đang sử dụng.

TP.HCM lập danh sách 44.000 người được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19

Thông tin từ Sở Y tế Hải Dương cho biết từ 8.3, Hải Dương sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Trước mắt, Sở Y tế Hải Dương đã chọn Trung tâm y tế TP.Hải Dương và Trung tâm y tế H.Kim Thành để tiêm chủng Covid-19, sau đó mới đến các địa phương khác.
Theo Sở Y tế Hải Dương, do vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cung cấp không nhiều nên sẽ tập trung tiêm cho 9 nhóm đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung, thành viên tổ truy vết, nhân viên tham gia điều tra dịch tễ, cán bộ trực tiếp tiêm chủng vắc xin Covid-19...
Tại cuộc họp, Bộ Y tế báo cáo dự kiến hôm nay (6.3) sẽ tập huấn đối với tất cả các đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc trong vấn đề tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm vắc xin Covid-19...
Sau đó, đến ngày 8.3, những liều vắc xin đầu tiên sẽ được tiêm trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, các vùng có dịch, các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng dịch Covid-19...
Theo kế hoạch, sẽ có 3 tỉnh, thành triển khai tiêm là Hải Dương, Hà Nội và TP.HCM. Ngày 19.3, dự kiến triển khai tiêm tại Gia Lai. Các đối tượng được tiêm thuộc nhóm ưu tiên như: nhân viên y tế, cán bộ, nhân viên tuyến đầu chống dịch tại các nơi có dịch và có các yếu tố dịch tễ nguy cơ có ca bệnh.
Đợt tiêm đầu tiên sẽ sử dụng vắc xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất. Lô vắc xin này về Việt Nam sáng 26.2, đã được đánh giá riêng về các yếu tố đảm bảo cho an toàn trước khi chính thức được tiêm lần đầu tiên tại Việt Nam, dù vắc xin này đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia. Những người sau tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin...
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tiêm vắc xin không bảo đảm phòng bệnh 100%. Ví dụ, theo thông tin của nhà sản xuất thì vắc xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vắc xin AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2. Những số liệu này, theo Bộ Y tế, cũng cần được kiểm nghiệm trên thực tiễn.

Sáng 6.3: Việt Nam ghi nhận 7 ca Covid-19

Đảm bảo an toàn tối đa

Trong khi đó, thông tin từ Bộ Y tế cho biết để triển khai tiêm an toàn và kịp tiến độ bao phủ, sẽ huy động nhân lực, thiết bị của hệ thống y tế tiêm chủng công lập và tiêm chủng dịch vụ phục vụ tham gia, đảm bảo an toàn tối đa cho đợt tiêm đầu tiên này. Trong đó, giao Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trực tiếp là cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, có nhiệm vụ tập huấn, cập nhật toàn diện các điều kiện đảm bảo về an toàn tiêm chủng; cập nhật các dữ liệu về phản ứng sau tiêm; rà soát, trang bị đầy đủ các hộp chống sốc, cùng với nhân viên y tế tại các điểm sẵn sàng các điều kiện về cấp cứu nếu có phản ứng bất lợi sau tiêm.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp ngày 5.3 nêu trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, bến xe... phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).
“Ban chỉ đạo và cá nhân tôi đã nhiều lần yêu cầu thực hiện việc tự đánh giá, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch, nhưng đến nay chỉ có rất ít các cơ sở lưu trú, trạm y tế, phòng khám tư nhân… làm nghiêm túc. Phải siết lại, vì sức khỏe nhân dân để đôn đốc triển khai quyết liệt, thậm chí kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động những nơi không thực hiện nghiêm túc”, ông Đam nói.
Bộ Y tế giao Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC), là công ty được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu vắc xin Covid-19, đảm bảo toàn diện về bảo quản, vận chuyển phân phối vắc xin đến các điểm tiêm chủng tại các tỉnh, TP. Hiện 117.600 liều vắc xin Covid-19 về Việt Nam được duy trì bảo quản tại kho lạnh 2 - 8 độ C của VNVC. Hệ thống kho tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt của nhà sản xuất, đã được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép từ trước khi tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên. Dự kiến ngày 7.3, VNVC sẽ bắt đầu các đợt vận chuyển ra Hà Nội, Hải Dương trong đợt triển khai tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, cho những người thuộc nhóm ưu tiên theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, trong năm nay, Việt Nam có khoảng 100 - 150 triệu liều vắc xin Covid-19. Bộ Y tế đang tổng rà soát nhân lực, thiết bị và tập huấn toàn tuyến về quản lý, tổ chức tiêm chủng, để tối ưu các điều kiện cho triển khai chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến từ quý 2 tới. Ngành y tế sẽ huy động tổng lực tham gia, đảm bảo tối đa tiêm an toàn.

Tâm sự tình nguyện viên tiêm thử vắc xin Nano Covax ngừa Covid-19 của Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.