Việt kiều Mỹ: Vắc xin Covid-19 sẵn sàng, cuộc sống liệu sẽ lại bình thường?

17/12/2020 12:16 GMT+7

Chính phủ Mỹ dự tính tới ngày cuối cùng năm 2020 sẽ có 40 triệu liều vắc xin, đủ để tiêm phòng cho 20 triệu người. Niềm vui xen lẫn e dè khi tranh cãi nổ ra với "tiêm ngừa hay không tiêm ngừa" là câu hỏi "nóng" nhất. Các Việt kiều Mỹ như chúng tôi cũng mang trong mình câu hỏi trên.

Vào ngày 15.12.2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận vaccine Covid-19 của Moderna đạt “hiệu quả cao", không có tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuyên bố này đã mở đường cho cuộc họp trực tuyến của một ủy ban độc lập cố vấn cho FDA dự kiến vào cuối tuần này để thông qua và đưa vào sử dụng khẩn cấp trong tuần tới cùng với vaccine của hãng Pfizer và đối tác BioNTech.
Hiện tại, việc tiêm vaccine đang ở giai đoạn 1a, chủ yếu giành cho y bác sĩ tuyến đầu và những người lớn tuổi trong viện dưỡng lão (chiếm tới hơn 40% số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ). Theo tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, những người còn trẻ và bình thường như tôi thì phải chờ thêm ít nhất 4 - 5 tháng nữa, sớm nhất là tháng tư mới có cơ hội được tiêm mũi đầu tiên. Dẫu phải đợi chờ, nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, thông tin như thế này là nguồn năng lượng tích cực mang đến niềm vui không gì tưởng tượng nổi khi tin dữ vẫn mỗi ngày ập đến.

Khẩu hiệu chống dịch của Maryland rất đơn giản nhưng thiết thực: Mang khẩu trang đi nào, Maryland!

Nguyễn Hữu Tài

Số ca dương tính ở Mỹ đang phăng phăng tiến về mốc 20 triệu người. Số người chết đã vượt quá 300 ngàn. California, tiểu bang đông dân nhất Mỹ đã bắt đầu chế độ lockdown (phong tỏa) kéo dài tới tận tháng 1.2021. Từ 17 giờ chiều thứ Tư 16.12, quận Prince George’s, giáp ranh với thủ đô Washington, D.C., nơi tôi đang sống, sẽ quay trở lại giai đoạn đóng cửa một phần. Các nhà hàng không được tiếp khách bên trong mà chuyển ra ngoài với công suất 50%. Phòng gym, shopping, casino hay rạp chiếu phim giảm công suất xuống còn 25%. Cơ quan chính phủ, trường học tới tận bây giờ vẫn còn đóng cửa. Tòa án chỉ mở cửa để xử lý những vụ khẩn cấp mà thôi.
Vaccine có rồi, nhưng chính quyền đang đối diện với một vấn đề nghiêm trọng hơn khi phải thuyết phục người Mỹ nổi tiếng bảo thủ tiêm vaccine theo công nghệ mới này. Làm thế nào để họ hiểu giá trị của vaccine, chấp nhận nó an toàn và hiệu quả là câu hỏi lớn. Theo khảo sát của Axios-Ipsos, hồi tháng tháng 9, cứ 5 người sẽ có 1 người nói không tiêm vaccine. Người Cộng hòa, Mỹ da màu và người có trình độ trung học trở xuống không có ý định đó. Cho tới tuần này, theo thống kê của báo ABC, con số ấy khả quan hơn nhiều. Khoảng 8/10 người Mỹ dự định sẽ tiêm phòng. Và thống kê của Kaiser cũng đưa ra con số 70% người Mỹ “nhất định” hay “có thể” chấp nhận tiêm vaccine ngừa bệnh.

Người dân vẫn vô tư tụ tập đá banh bất chấp dịch bệnh

Nguyễn Hữu Tài

Chính phủ Mỹ dự tính tới ngày cuối cùng của năm 2020, sẽ có 40 triệu liều vaccine, đủ để tiêm phòng cho 20 triệu người. Sự tranh cãi tiếp tục nổ ra, tại sao không tiêm hết cho 40 triệu người khi các hãng bào chế vaccine khẳng định họ sẽ cung cấp đủ liều theo kế hoạch (dẫu chuyến hàng đầu tiên chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, không như dự định). Bác sĩ, y tá, những nhân viên tuyến đầu chống dịch được tiêm là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng với tính thực dụng của nhiều người, thì liệu tiêm phòng cho người lớn tuổi ở các viện dưỡng lão có hợp lý không khi họ chỉ… sống thêm vài năm nữa? Tại sao không tạo hành lang an toàn bảo vệ họ bằng cách tiêm cho đội ngũ y tế, nhân viên và người thân đến thăm để hạn chế lây nhiễm. Liệu cơ thể người cao niên có tạo ra miễn dịch. Và lỡ sau khi tiêm xong bị phản ứng phụ rồi tử vong, dư luận càng mất lòng tin vào vaccine nữa.
Quận tôi ở có số lượng người da màu và Nam Mỹ khá đông. Đây là thành phần cốt cán vẫn đi làm, không nghỉ ngơi trong suốt mùa dịch. Nhờ thế mà tiền nhà được trả gần như đầy đủ. Thu nhập công ty không bị ảnh hưởng. Lương bổng của tôi vẫn không giảm, mức tăng và thưởng giữ nguyên. Công ty tôi chưa đóng cửa một ngày. Tôi vẫn đi làm liên tục. Đã có hai nhân viên trong công ty tôi mất vì virus SARS-Cov-2. Số ca nhiễm lên đến 20. Hiện tại gần 30 nhân viên phải đi test và nghỉ ở nhà (lãnh lương đầy đủ). Bản thân tôi cũng nằm trong diện F1 đến 2 lần. Nhưng nhờ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn, điều tệ hại nhất đã không xảy ra.
Nhưng mặt trái của nó là số ca nhiễm và người chết của quận đông dân, có mật độ dân số cao nhất của Maryland cũng nhảy lên đứng đầu (với 48.870 ca dương tính và 1.007 người chết tính đến cuối ngày 16.12, chiếm 20% toàn bang Maryland). Nhưng dù gì đi nữa, đây cũng được coi là dân phố thị nên cái nhìn về vaccine sẽ bớt cực đoan hơn những thị trấn nhà quê hoặc vùng núi non trùng điệp sẵn sàng từ chối tiêm phòng. Thậm chí nằm trên giường bệnh, sắp từ giã cõi đời, vẫn không tin là mình nhiễm Covid-19.
Dẫu phải đợi chờ, nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, thông tin như thế này là nguồn năng lượng tích cực mang đến niềm vui không gì tưởng tượng nổi khi tin dữ vẫn mỗi ngày ập đến.
Khi số lượng ca nhiễm ở Mỹ và Maryland một ngày quá cao, gấp 5 lần đỉnh dịch hồi mùa hè, thì việc theo dõi tiếp xúc (tracing) ở đây hoàn toàn trở thành vô nghĩa. Chẳng ai rảnh mà làm việc đó giùm bạn đâu. Dù bản thân còn chưa lo xong, tôi và sếp trở thành chuyên viên Covid-19 bất đắc dĩ. Mỗi sáng, chúng tôi đều họp xem thử tình hình dịch bệnh như thế nào. Mở điện thoại ra, người này nhắn tin đau họng, người kia ho, đứa nọ sốt là tôi với sếp đều giật mình lo lắng, kêu ở nhà nghỉ trả lương, bắt đi kiểm tra hết. Chúng tôi không thể cấm nhân viên ra ngoài gặp gỡ người khác hay tiệc tùng với bạn bè, nhưng trong khả năng có thể, kêu họ hạn chế tối đa và phải thông báo nếu bản thân hay người nhà có triệu chứng. Chỉ cần một chút sơ suất, văn phòng sẽ biến thành ổ dịch. Và điều đó đã suýt xảy ra mấy lần, khi nhân viên dù được cảnh báo mỗi ngày, vẫn vô tư đi làm dẫu có triệu chứng hay thậm chí người nhà dương tính với virus.
Và một vấn đề được bàn cãi, liệu công ty tư nhân có quyền yêu cầu nhân viên tiêm vaccine khi tới lượt? Nếu họ từ chối thì có bị chế tài gì không? Theo thống kê của tổ chức Yale Chief Executive Leadership, 72% các CEO hiện hành hay cựu CEO của các công ty lớn như Walmart, Goldman Sachs, eBay… đã phát tín hiệu sẽ bắt nhân viên tiêm ngừa. Nhưng điều này cũng chỉ mới là dự định. Họ còn phải chờ vào hiệu quả lẫn số lượng vaccine trước khi bàn thảo kế hoạch.
Thế giới đã trải qua một năm u ám, buồn bã vì dịch bệnh. Nước Mỹ chẳng vinh hạnh gì khi dẫn đầu số lượng ca nhiễm lẫn người chết. Mùa lễ hội Mỹ rộn rã, tươi vui mỗi năm bắt đầu từ tháng mười. Nhưng Halloween năm nay coi như bỏ vì chẳng nhà nào dám mở cửa ra khi con nít đi gõ cửa xin kẹo. Cả nước đã trải qua một kỳ lễ Tạ ơn kinh hoàng khi người dân vẫn bất chấp dịch bệnh, đi du lịch, thăm thân nhân, tụ họp ăn uống và số lượng ca nhiễm lẫn người chết tăng phi mã.
Những ngày kế tiếp có thể coi là sống còn của Mỹ khi hai ngày lễ to nhất, lớn nhất liền kề: Giáng Sinh và Năm mới. Nhưng mặc kệ cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) kêu gọi, thống đốc nhiều bang khẩn cầu, thị trưởng nhiều thành phố van xin, người dân vẫn tràn ra đường mua sắm, ăn uống, xe cộ đầy xa lộ. Bởi họ đã bị nhốt trong nhà quá lâu, kinh tế bị ảnh hưởng mà không được tự do hưởng thụ niềm vui tụ họp. Với lại dù đã ban lệnh cấm nhưng chẳng mấy khi chế tài. Thậm chí cảnh sát trưởng các quận hạt lớn như Los Angeles, Orange, Riverside… ở California công khai không bắt phạt người dân vi phạm lệnh cấm.
Và đặc biệt, trống vẫn đánh xuôi kèn vô tư thổi ngược, khi Nhà Trắng vẫn vô tư mở tiệc Giáng Sinh đón khách mỗi tuần. Tổng thống, phó tổng thống, quan chức vẫn coi khẩu trang là miếng vải không xứng đáng đeo lên mặt. Và thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin nhiều thị trưởng vi phạm lệnh cấm tụ tập hay du lịch của… chính mình.
Bản thân tôi và những người chung quanh vừa muốn có vaccine tiêm liền, nhưng cũng mang tâm lý e dè, lo lắng về tác dụng phụ. Nhưng chắc chắn một điều, chúng tôi sẽ tiêm đầy đủ và mong cuộc sống trở lại bình thường để không phải đau lòng khi thấy số lượng người nhiễm và chết tăng mỗi ngày, để người mang đôi chân thiên di như tôi - một Việt kiều Mỹ có thể ngồi máy bay hay lái xe đi khắp cùng thế giới thay vì phải lòng vòng một nơi, run run sợ bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.