Viện trưởng KSND tối cao: Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối giám định

06/11/2023 09:54 GMT+7

Viện trưởng Viện KSND tối cao thẳng thắn chỉ ra một số trường hợp có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối việc giám định, định giá.


Sáng 6.11, Quốc hội khóa XV bước sang tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp 6, với phiên chất vấn và trả lời chất vấn Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Viện trưởng KSND tối cao: Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối giám định - Ảnh 1.

Quốc hội khóa XV bước sang tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp 6, với phiên chất vấn dự kiến kéo dài 2,5 ngày

GIA HÂN

Đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì

Trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, đã tập trung chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trí cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức cần được giải quyết trong thời gian tới.

Điển hình, nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất; những quy trình trách nhiệm rất chặt chẽ tại luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của viện kiểm sát.

Vẫn theo viện trưởng, thực hiện bộ luật Tố tụng hình sự, nhiệm vụ của viện kiểm sát tăng lên rất nhiều, xuyên suốt từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Việc thực hiện quy định kiểm sát viên phải tham gia một số hoạt động điều tra và trực tiếp điều tra đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đơn vị có địa bàn rộng, chưa có điều kiện bố trí đủ công chức, kiểm sát viên.

Số lượng công chức có chức danh tư pháp, kiểm sát viên các ngạch của viện kiểm sát các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc tăng thêm; kinh phí phân bổ chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Đặc biệt, Viện trưởng Viện KSND tối cao thẳng thắn nhìn nhận công tác giám định, định giá còn kéo dài, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì; chậm yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp hồ sơ, thông tin còn thiếu. Thậm chí, một số trường hợp có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối việc giám định, định giá; kết luận giám định còn chung chung không thể hiện rõ quan điểm.

Viện trưởng KSND tối cao: Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối giám định - Ảnh 2.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí

 

Phân hóa tội phạm, giảm nhẹ cho người làm theo mệnh lệnh

Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, thời gian tới, ngành kiểm sát sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra theo bộ luật Tố tụng hình sự; phấn đấu không để xảy ra các trường hợp đình chỉ bị can do không phạm tội, tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

Cùng với đó là tập trung giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Ngành kiểm sát cũng sẽ tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy viện kiểm sát các cấp; kiện toàn lãnh đạo Viện KSND tối cao; sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; luân chuyển, điều động, biệt phái kiểm sát viên giữa viện kiểm sát các cấp để đào tạo, rèn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đáng chú ý, Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng.

Nguyên tắc được viện trưởng gợi mở là xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi; nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát.

Người đứng đầu Viện KSND tối cao cũng mong muốn Quốc hội xem xét tăng số lượng kiểm sát viên trong biên chế được giao của ngành kiểm sát để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ mới được giao; có cơ chế chính sách đãi ngộ về tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính chất lao động đặc thù của ngành; tăng cường kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.