Viện KSND TP.HCM đề nghị Trương Mỹ Lan mức án tử hình

19/03/2024 11:04 GMT+7

Viện KSND TP.HCM đánh giá Trương Mỹ Lan sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để rút tiền SCB và phạm tội có tổ chức..., nên đề nghị tòa phạt mức án tử hình.

Ngày 19.3, Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đã luận tội và đang đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo.

Chiều cùng ngày, Viện KSND TP.HCM đề nghị Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội "tham ô tài sản", mức án 20 năm về tội "đưa hối lộ" và từ 19 - 20 năm về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tổng hợp hình phạt là tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.

Xét xử Trương Mỹ Lan: Mức án đề nghị 86 bị cáo

Ngoài ra, Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT SCB (đang bị truy nã, xét xử vắng mặt); Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB.

Theo cơ quan công tố, các bị cáo đều là người có trình độ, nhận thức, đầy đủ năng lực, có khả năng nhận thức được hành vi nào được phép và hành vi nào là trái pháp luật. Hành vi các bị cáo gây thất thoát đặc biệt lớn về kinh tế, tạo dư luận xấu trong xã hội, dư luận xấu với quốc tế nên phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe. 

Với 5 bị cáo bỏ trốn, cơ quan chức năng đã kêu gọi đầu thú nhưng các bị cáo từ bỏ quyền bảo vệ quyền lợi cho mình. Do đó, Viện KSND TP.HCM xét thấy cần thiết áp dụng hình phạt nghiêm khắc với các bị cáo này. Đối với các bị cáo tại SCB, Viện KSND TP.HCM nhận định chỉ là những người làm công ăn lương, đồng phạm giúp sức bị cáo Trương Mỹ Lan, không được hưởng lợi nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt... 

Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu

Theo Viện KSND TP.HCM, trong những ngày thẩm vấn, đã chứng minh được Trương Mỹ Lan đã lợi dụng việc tái cơ cấu ngân hàng, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng từng bước nắm giữ 95% cổ phần của SCB, sử dụng SCB như công cụ tài chính, rút tiền SCB; bố trí nhân viên thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; chỉ đạo thành lập các công ty "ma"; thông đồng với các công ty thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; chỉ đạo tạo lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống tại SCB; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước để che giấu sai phạm tại SCB.

Viện KSND TP.HCM đề nghị Trương Mỹ Lan mức án tử hình- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

NHẬT THỊNH

Xem nhanh 20h ngày 19.3: Trương Mỹ Lan bị đề nghị án tử hình

Viện KSND TP.HCM khẳng định Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu; việc nâng khống tài sản, rồi đưa tài sản vào SCB là phương thức, thủ đoạn phạm tội với mục đích rút tiền của SCB.

Thiệt hại của vụ án, Viện KSND TP.HCM cũng xác định khoảng 498.000 tỉ đồng, trong đó Trương Mỹ Lan và đồng phạm vi phạm quy định cho vay, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng; tham ô tài sản, chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỉ đồng tiền gốc, hơn 129.000 tỉ đồng lãi phát sinh.

Với thiệt hại này, Viện KSND TP.HCM đã tính theo nguyên tắc có lợi cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong vụ án.

Viện KSND TP.HCM đề nghị Trương Mỹ Lan mức án tử hình- Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa ngày 19.3

NHẬT THỊNH

Về tội "đưa hối lộ" 5,2 triệu USD cho cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II Đỗ Thị Nhàn của Trương Mỹ Lan, Viện KSND TP.HCM nhận định dù Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi này nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) và tài liệu chứng cứ, dữ liệu điện tử, cho thấy Trương Mỹ Lan là người chỉ đạo bị cáo Văn gặp, đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Bị cáo Trương Mỹ Lan có các tình tiết giảm nhẹ như tích cực tham gia từ thiện, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống Covid-19, được bằng khen của Chủ tịch nước và bằng khen của nhiều cơ quan chức năng khác; bị cáo tự nguyện dùng tài sản khắc phục hậu quả.

Trương Mỹ Lan quanh co chối tội, hậu quả không có khả năng thu hồi

Tuy nhiên, Viện KSND TP.HCM cũng phân tích Trương Mỹ Lan cố ý phạm tội trong thời gian dài, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi thực hiện phạm tội, phạm tội có tổ chức, 2 lần trở lên, đây là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

"Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan quanh co, chối tội, không tỏ ra ăn năn; đổ lỗi cho nhân viên, các bị cáo tại SCB, hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi. Vì vậy, cần có hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, và cần loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội", Viện KSND TP.HCM đánh giá.

Xét xử Trương Mỹ Lan: VKS đề nghị cách ly Đỗ Thị Nhàn vĩnh viễn khỏi xã hội

Theo cáo trạng, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, bị truy tố về 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu "hệ sinh thái" gồm hơn 1.000 doanh nghiệp là các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì hoạt động cho "đế chế" của mình, Trương Mỹ Lan thâu tóm SCB nhằm xây dựng kênh huy động vốn.

Bằng thủ đoạn thu mua cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên, tính đến đầu năm 2018, tỷ lệ bà Lan sở hữu cổ phần tại SCB lên tới hơn 91,5%.

Cáo trạng xác định, Trương Mỹ Lan đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân mà mình tin tưởng, đều là người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, để bố trí vào các vị trí chủ chốt tại SCB.

Cụ thể, từ ngày 1.1.2012 đến ngày 7.10.2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn.

Trong đó, từ ngày 1.1.2012 đến ngày 31.12.2017, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, hiện còn dư nợ hơn 132.000 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi này gây thiệt hại cho SCB hơn 64.000 tỉ đồng, phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tiếp đó, từ ngày 9.2.2018 đến ngày 7.10.2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.000 tỉ đồng, qua đó gây thiệt hại cho SCB hơn 129.000 tỉ đồng, phạm tội tham ô tài sản.

Ngoài ra, để che giấu sai phạm của SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB gặp Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) đưa 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng

Kết quả điều tra xác định, sau khi nhận tiền, bà Nhàn cùng các thành viên trong đoàn thanh tra bao che, bưng bít cho sai phạm của SCB và bà Trương Mỹ Lan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.