Viễn cảnh trái đất thành 'địa ngục' như sao Kim

07/07/2017 21:12 GMT+7

Trái đất có thể biến thành một sao Kim thứ hai, với những đại dương sôi bỏng và mưa a xít, nếu con người không ngừng ngay những hành động phá hoại khiến khí hậu thay đổi.

Đó chính là lời cảnh báo của nhà vật lý học và vũ trụ học nổi tiếng người Anh Stephen Hawking trước quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Chúng ta đang mấp mé ngưỡng bùng phát, khi mà tình trạng ấm lên toàn cầu trở thành điều không thể cứu vãn... Hành tinh chúng ta có thể biến thành một sao Kim khác, với nhiệt độ bề mặt 250oC, và những đợt mưa a xít sulfuric”, theo Đài BBC News.
Tuy nhiên, đa số các chuyên gia khí hậu đều cho rằng viễn cảnh trên bị thổi phồng quá mức. Khác với sao Kim, hành tinh thứ hai tính từ mặt trời, địa cầu nằm ở khoảng cách xa hơn nhiều và sẽ chẳng bao giờ chịu cảnh khí quyển dày đặc carbon dioxide (CO2) như thế. Mặc dù vậy, ai nấy đều hết sức quan ngại trước xu hướng khí hậu trong thời gian tới.
Dù có kích thước cũng như trọng lực tương tự trái đất, sao Kim là hành tinh nóng nhất trong hệ mặt trời, với nhiệt độ lên đến 466oC, áp suất bề mặt gấp khoảng 90 lần so với trái đất, khiến mọi phi thuyền con người từng đáp lên hành tinh này đều bị nung chảy và rúm ró.
Theo giả thuyết hàng đầu nhằm giải thích tình trạng trên sao Kim, các chuyên gia cho rằng hành tinh sáng nhất trong hệ mặt trời bị mắc kẹt trong một vòng lập không lối thoát. Nó hấp thu nhiều bức xạ mặt trời hơn là có thể thải ra ngoài, khiến hơi nước bị mắc kẹt trong lớp khí quyển CO2 dày và những đám mây a xít sulfuric, và đến lượt tình trạng này càng làm cho hoạt động hấp thu nhiệt trở nên tồi tệ hơn.
“Về cơ bản, sao Kim bị sốc nhiệt, luôn trong tình trạng ấm lên và không thể nguội lại”, theo chuyên gia Tyler Robinson của Đại học Washington.

tin liên quan

Hóa lùn vì trái đất tăng nhiệt
Giới chuyên gia đang quan ngại tình trạng thu nhỏ kích thước cơ thể ở động vật có vú để thích nghi với khí hậu nóng lên có thể lặp lại nếu môi trường không được cải thiện.
Về mặt lý thuyết, quy trình tương tự như trên có thể xảy ra trên trái đất, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng nó phải mất vài trăm triệu năm. Họ cũng cho rằng ít có khả năng các đại dương của địa cầu có thể bốc hơi hết như những vùng biển sơ khai trên sao Kim... Thế nhưng, không may là trái đất chẳng cần phải biến thành một nơi như hành tinh bạn mới có thể đẩy sự sống đến ngưỡng địa ngục.
Hiệp định Paris nhằm mục đích giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2oC và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5oC. Tuy nhiên, dù đạt được mục tiêu đó vẫn có thể gây ra những thay đổi làm phá vỡ hoàn toàn các hệ sinh thái và hoạt động nông nghiệp, theo cảnh báo của nhà khoa học khí hậu Kevin Trenberth của Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khí quyển ở Boulder, bang Colorado (Mỹ).
“Cây cối vẫn sẽ mọc nhưng cần chủng loài khác, hoặc phải gieo trồng loại hoa màu mới. Điều này đe dọa nguồn nước và thực phẩm”, ông Trenberth cho biết. Thực phẩm và nước không cần biến mất, chúng chỉ cần cung không đủ cầu là hỗn loạn bùng nổ, và nguy cơ xảy ra tình trạng này sẽ gia tăng sau năm 2050.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.