Viễn cảnh bom 'biết nói'

05/02/2021 08:00 GMT+7

Mỹ đang thử nghiệm khái niệm cho phép bom có thể “trò chuyện” với nhau nhằm đánh giá chính xác tình hình trên chiến trường, từ đó hướng dẫn hỏa lực vào các mục tiêu quan trọng hơn.

Chiến tranh hiện đại đã tiến một bước dài kể từ thời điểm các máy bay thực hiện những vụ ném bom hàng loạt thành phố của châu Âu trong thế chiến thứ hai.

Bước tiến mới

Giờ đây, chỉ cần một chiếc tiêm kích F-35A với bom dẫn đường vẫn đủ gây nên sự hủy diệt hơn hẳn hàng chục chiếc pháo đài bay B-17 dùng bom không chính xác. Tuy nhiên, một vấn đề vẫn còn tồn đọng cho đến nay là khoảng thời gian từ lúc một mục tiêu được lựa chọn, đến khi quả bom thực sự đánh trúng mục tiêu đó. Việc cải thiện vấn đề liên lạc và thu thập thông tin tình báo cho phép rút ngắn thời gian này, giúp phi công có thể thay đổi mục tiêu trong trường hợp “có biến”.
Thế nhưng, một khi đã nhấn nút khai hỏa quả bom khỏi máy bay, phi công thường cũng mất quyền thay đổi mục tiêu, dù các cảm biến trên quả bom có lẽ phát hiện được những bất thường trong lúc lao đến đích.
Không quân Mỹ (USAF) đang thử nghiệm khái niệm gọi là Golden Horde, nhằm cho phép vũ khí sử dụng dữ liệu cảm biến mà chúng thu thập được để tự đưa ra các quyết định, theo trang Defense News. Với công nghệ này, các dòng vũ khí của Mỹ có thể thiết lập kết nối liên lạc với nhau, kế đến vận dụng các kịch bản có sẵn để cùng phân tích dữ liệu trước khi đưa ra quyết định khoanh vùng mục tiêu mới nếu cần thiết.

Cuộc thử nghiệm quan trọng

Những dòng bom, tên lửa và các loại đạn dược khác của Mỹ trong tương lai sẽ được trao năng lực thay đổi đường bay, cho phép USAF phát hiện và tấn công những mục tiêu giá trị hơn vừa được đối phương triển khai trên chiến trường.
Theo trang Popular Mechanics, trong một cuộc thử nghiệm gần đây, một tiêm kích F-16 Fighting Falcon đã thả 2 quả bom đường kính nhỏ (SDB), như dạng GBU-39 SDM. 2 quả bom này “trao đổi” với nhau và tìm ra sự hiện diện của mục tiêu nằm trong danh sách ưu tiên tấn công.
“2 quả SDB xác định mục tiêu ban đầu là “thiết bị phá sóng GPS” không phải nằm trong nhóm ưu tiên. Sau đó, chúng nhận diện 2 mục tiêu nhất định phải tiêu diệt. Tuy nhiên, do lỗi phần mềm, các mệnh lệnh chuyển hướng đã không được gửi đến hệ thống dẫn đường của vũ khí. Vì không cập nhật được vị trí của mục tiêu mới, 2 quả bom vẫn tấn công mục tiêu ban đầu”, theo thông cáo từ Phòng Thí nghiệm không quân Mỹ.

Tương lai của bom thông minh hơn

Theo phân tích của các chuyên gia, khái niệm Golden Horde không dựa trên trí thông minh nhân tạo, thay vào đó là một hệ thống tương tự các câu lệnh “if, then” trong phần mềm máy tính. Nếu quả bom đang lướt đến một trạm radar, thiết bị dẫn đường bằng tia hồng ngoại trên quả bom phát hiện bệ phóng tên lửa đạn đạo có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Thế là quả bom sẽ chuyển hướng về mục tiêu có giá trị cao hơn.
Không dừng lại ở đó, khi quả bom được trang bị công nghệ Golden Horde phát hiện mục tiêu mới sau khi rời khỏi máy bay, nó sẽ “báo động” cho các quả bom khác. Nếu những quả bom này rút ra cùng một kết luận với quả bom ban đầu, chúng sẽ tiếp sức và cùng phối hợp để đảm bảo phá hủy mục tiêu đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.