Viêm phổi Vũ Hán và bài toán kinh tế thế giới thoát phụ thuộc Trung Quốc

30/01/2020 18:00 GMT+7

Nền kinh thế giới phụ thuộc vào “đại công xưởng” Trung Quốc sẽ phải đối mặt nhiều thách thức vì dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng.

Tính đến ngày 30.1, dịch viêm phổi Vũ Hán do vi rút corona mới (2019-nCoV) gây ra tiếp tục lây lan, với số người chết tăng lên 170 người và 7.711 ca nhiễm, theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là một phần thiết yếu của bộ máy công nghiệp toàn cầu. Riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 1/6 sản lượng kinh tế toàn cầu và còn được mệnh danh là “đại công xưởng thế giới”.
Các doanh nghiệp Mỹ đặt nhà máy sản xuất và dần trở nên phụ thuộc Trung Quốc được xem là lý do để Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh cách đây 2 năm. Cuộc thương chiến buộc các doanh nghiệp lớn phải cân nhắc chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, tìm đến những quốc gia có quan hệ tốt hơn với Washington, theo tờ The New York Times.

Dịch bệnh làm gián đoạn dây chuyền sản xuất

Giờ đây dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang thách thực sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc.
Hãng Ford và Toyota buộc phải tạm ngừng hoạt động một số nhà máy lắp ráp lớn ở Trung Quốc thêm một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các nhà sản xuất ô tô khác như General Motors, Nissan có kế hoạch đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc đến ngày 3.2.
Ngày 29.1, hãng hàng không British Airlines, United Airlines và Air Canada cùng nhiều hãng khác lần lượt đình chỉ tất cả chuyến bay đến Trung Quốc đại lục. Các khách sạn và công ty tour du lịch khắp châu Á đang theo dõi tình hình dịch bệnh trong tâm trạng sợ hãi do phụ thuộc vào số lượng lớn du khách Trung Quốc.

Ảnh từ trên cao các tòa nhà dân cư và thương mại ở Vũ Hán ngày 27.1

AFP

Bên cạnh đó, các công ty như G.M., Honeywell, Facebook và Bloomberg đã hạn chế việc đi lại cho nhân viên ở Trung Quốc. Hãng Apple đang cân nhắc lại chuỗi cung ứng và Starbucks ngày 28.1 đã đóng cửa hơn phân nửa trong tổng số 4.292 quán cà phê ở Trung Quốc.
Mức độ thiệt hại đối với kinh tế thế giới vẫn chưa thể do đếm được do tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp lây lan nhiều nơi trên thế giới và số người chết gia tăng mỗi ngày.
“Chúng tôi đang đối mặt nguy cơ hoạt động kinh doanh đi xuống, bao gồm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đóng cửa tạm thời một số cửa hàng bán lẻ và nhà máy, cùng nhiều thách thức khác”, ông Jake Parker, phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung đại diện cho các công ty lớn, nói với tờ The New York Times.
“Nếu biện pháp hạn chế đi lại và kiểm dịch quy mô lớn tiếp tục được mở rộng hoặc kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài qua ngày 8.2, thì điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Parker nói.
Tầm quan trọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở “đại công xưởng thế giới”. Người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm nhiều xe hơi và điện thoại thông minh hơn bất kỳ ai khác. Khi ra nước ngoài, khách du lịch Trung Quốc chi tiêu tới 258 tỉ USD/năm, gần gấp đôi số tiền người Mỹ chi, theo Tổ chức Du lịch Thế giới.
Các công ty lớn đang xem xét lại chiến lược ở Trung Quốc ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, do tăng trưởng chậm lại, chi phí lao động tăng lên, doanh nghiệp nội địa cạnh tranh khốc liệt và chính phủ không có nhiều điều kiện ưu đãi.
Dù vậy, Trung Quốc có nền tảng công nhân có tay nghề, hệ thống đường cao tốc, đường sắt và thị trường tiêu dùng rộng lớn nên các công ty nước ngoài khó lòng từ bỏ.

Tìm nơi tạm thời thay thế Trung Quốc

Nhiều công ty hiện đang tìm kiếm các điểm dừng chân tạm thời thay thế Trung Quốc.
Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple, ngày 28.1 cho biết nhà sản xuất iPhone đang tìm kiếm nhà cung cấp thay thế nhằm bù đắp tổn thất. Mitch Foxconn, công ty Đài Loan có nhiều nhà máy ở Trung Quốc đại lục chuyên sản xuất thiết bị cho Apple và những hãng khác, thông báo các nhà máy của họ sẽ tiếp tục đóng theo lịch nghỉ lễ kéo dài của chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ổ dịch bệnh Vũ Hán thu hút nhiều công ty lớn do đó là một trung tâm vận tải quốc gia lớn và ngành công nghiệp ô tô khổng lồ. Hãng General Motors, Honda, Nissan và nhiều công ty khác đã mở cửa hàng tại đây và nhiều nhà cung cấp, sản xuất linh kiện cũng chạy theo. Hơn 1/3 tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Pháp vào Trung Quốc là nằm ở Vũ Hán.
Ngày 27.1, tập đoàn sản xuất ô tô Pháp PSA Group thông báo đã thiết lập kênh liên lạc xử lý khủng hoảng giữa văn phòng Vũ Hán và trụ sở ở thủ đô Paris nhằm dự báo và xác định nguy cơ tổn thất đối với việc kinh doanh sản xuất. PSA Group sử dụng khoảng 2.000 lao động ở Vũ Hán, hoạt động theo hình thức liên doanh và đang nỗ lực sơ tán 38 nhân viên người nước ngoài khỏi ổ dịch.
Hiện vẫn chưa rõ các doanh nghiệp sẽ phục hồi như thế nào sau dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong đợt dịch SARS chết người cách đây 17 năm ở Trung Quốc và giết chết hàng trăm người khắp thế giới, nhiều công ty buộc phải trả lương cao hơn để công nhân trở lại nhà máy làm việc.
Ford, không có dây chuyển sản xuất ở Vũ Hán, cho biết một số nhà máy chính của hãng này sẽ tiếp tục ngừng hoạt động cho đến ngày 10.2. Các nhà máy của Ford tại bốn thành phố ở Trung Quốc tạo ra gần nửa triệu xe mỗi năm, tức trung bình 9.400 chiếc/tuần.

Một khu chợ thường thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan

AFP

Doanh nghiệp từ các quốc gia khác cũng đang đánh giá tác động từ dịch viêm phổi Vũ Hán.
Tại Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura, bộ trưởng phụ trách chính sách kinh tế và tài chính, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh kéo dài, gây tổn hại đến xuất khẩu, sản lượng và lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật Bản.
Bên cạnh đó, du khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tất cả khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản và các công ty Trung Quốc là khách hàng chính mua nhiều linh kiện do Nhật Bản sản xuất, như chất bán dẫn và ống kính.
Trong khi đó, khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan và chi tiêu gần 18 tỉ USD/năm, chiếm 1/4 tổng chi tiêu khách du lịch nước ngoài. Yuthasak Supasorn, người đứng đầu Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết chính phủ đang tìm cách hỗ trợ cho các công ty du lịch thua lỗ từ sự sụt giảm số lượng khách du lịch Trung Quốc trong vài tuần qua.

Một người đàn ông đeo khẩu trang đi dọc một con đường ở Vũ Hán ngày 26.1

AFP

Anan Buates, chủ công ty vận tải chuyên chở khách du lịch Trung Quốc ở Thái Lan, cho biết: “Tôi hoảng loạn khi các công ty du lịch hủy bỏ tour vào phút cuối khi dịch bệnh bùng phát. Kể từ ngày 27.1, Trung Quốc đình chỉ tất cả tour du lịch khách đoàn ra nước ngoài”.
“Họ có quyền ra chính sách để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và tôi biết bản thân sẽ phải đối mặt nhiều khó khắn thời gian tới. Chúng tôi sống sót cả năm nhờ vào số lượng đông du khách Trung Quốc đến Thái Lan suốt năm”, ông Anan (45 tuổi) chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.