Việc xác định số tiền thất thoát của SCB mang tính 'sống còn'?

03/04/2024 10:30 GMT+7

Ngày 2.4, bào chữa bổ sung sau khi Viện kiểm sát đối đáp, luật sư Giang Ngọc Thanh, 1 trong 5 luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tiếp tục đối đáp với quan điểm của Viện kiểm sát về phương pháp, cách thức xác định thiệt hại tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Theo luật sư, việc xác định số tiền thất thoát của SCB có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính "sống còn" trong việc xác định tội danh, hình phạt đối với thân chủ và nhiều bị cáo khác. Tuy nhiên, việc định giá các tài sản đảm bảo cho các khoản vay chưa thống nhất và thấp, làm tăng trách nhiệm của thân chủ, như việc định giá dự án Mũi Đèn Đỏ.

Trước đó, Viện kiểm sát đánh giá luật sư đưa chứng thư thẩm định của Công ty TNHH thẩm định giá SVVN - Savills Việt Nam (ban hành tháng 6.2020) xác định dự án Mũi Đèn Đỏ có trị giá 180.800 tỉ đồng là không phù hợp, bởi chứng thư này thẩm định tài sản hình thành trong tương lai với giả định là dự án hoàn thành vào ngày 31.12.2025.

Viện kiểm sát đối đáp việc Trương Mỹ Lan 'cho mượn tài sản tái cơ cấu SCB'

Không đồng tình với quan điểm trên, luật sư cho rằng việc thẩm định tài sản hình thành trong tương lai là nghiệp vụ được pháp luật cho phép. Theo luật sư, ngay cả ông Võ Xuân An, Tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Hoàng Quân (gọi tắt Công ty Hoàng Quân), cũng trả lời tại phần thẩm vấn rằng điều này là được phép, với điều kiện tài sản phải đáp ứng một số tiêu chí. Hơn nữa, chứng thư thẩm định giá tòa nhà Times Square do Công ty Hoàng Quân ban hành cũng dựa trên một số giả định về những khoản thu của Times Square trong tương lai.

Luật sư tiếp tục dẫn chứng tháng 8.2020, Công ty cổ phần thẩm định giá Thiên Phú thẩm định dự án Mũi Đèn Đỏ là 151.000 tỉ đồng. Hai thẩm định viên của công ty này là Trần Tuấn Hải và Trần Thị Kim Ngân đã bị bắt trong vụ án với cáo buộc nâng khống giá trị tài sản và ký lùi ngày chứng thư thẩm định. Quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo Hải xác định đã nâng khống giá trị tài sản này khoảng 20%. Như vậy, giá trị thật của Mũi Đèn Đỏ nếu không bị nâng khống sẽ là khoảng 125.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, tháng 6.2021, Công ty CP giám định và thẩm định tài sản Việt Nam (VAE) định giá tài sản Mũi Đèn Đỏ 168.000 tỉ đồng. VAE là một trong 19 công ty thẩm định giá có uy tín, có năng lực thuộc danh sách được Bộ Tài chính cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua đó NHNN yêu cầu SCB phối hợp để thẩm định giá. "Như vậy, kết quả thẩm định giá của 3 doanh nghiệp này đối với dự án Mũi Đèn Đỏ đều gấp 6 - 9 lần giá trị thẩm định của Công ty Hoàng Quân (17.597 tỉ đồng). Vậy tính pháp lý của chứng thư nào có giá trị cao hơn?", luật sư nêu vấn đề, cho rằng bà Lan phải gánh chịu nhiều quy kết nặng nề trong khi giá trị tài sản đảm bảo bị định giá thấp đi. "Sự chênh lệch này đã đưa bà Lan vào cửa tử", luật sư đánh giá.

Cũng trong phần tranh luận bổ sung, luật sư Thanh cho rằng việc phải trưng cầu giám định tư pháp khi giải quyết vụ án này là cần thiết. Cơ quan tố tụng đang sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân tại thời điểm 30.9.2022.

Trong phần đối đáp ngày 1.4, Viện kiểm sát nêu nhiều căn cứ, tài liệu khẳng định đã áp dụng nhiều biện pháp điều tra để xác định thiệt hại của vụ án là hơn 677.000 tỉ đồng, và đề nghị bị cáo Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho SCB. Luận tội, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Lan án tử hình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.