WHO: muốn đánh bại Covid-19, vắc xin phải được phân chia công bằng

16/05/2020 23:46 GMT+7

Trong cuộc họp báo ngày 15.5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết giới nghiên cứu đang làm việc với "tốc độ chóng mặt" để tìm giải pháp cho đại dịch Covid-19, và dịch bệnh này chỉ có thể bị đánh bại khi thuốc điều trị và vắc xin được phân phối đều trên toàn thế giới.

"Việc đẩy nhanh tốc độ xử lý Covid-19 đang thống nhất nỗ lực từ nhiều phía, để đảm bảo chúng ta có được liệu pháp điều trị và vắc xin an toàn, hiệu quả, giá cả phải chăng trong thời gian ngắn nhất có thể. Các công cụ này cho con người có thêm hy vọng vượt qua Covid-19, nhưng chúng không thể kết thúc đại dịch nếu chúng ta không đảm bảo việc phân phối bình đẳng. Trong những trường hợp đặc biệt này, chúng ta cần giải phóng toàn bộ nguồn lực của khoa học để mang tới các đổi mới hữu dụng, có thể áp dụng rộng rãi và đem đến lợi ích cho mọi người, ở mọi nơi cùng lúc. Các hình mẫu thị trường truyền thống không thể cung cấp quy mô cần thiết để phân phối cho toàn bộ địa cầu", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo.
Hiện có hơn 100 dự án phát triển vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trên khắp thế giới.

Tính đến ngày 11.5, có 5 loại vắc xin đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người, theo WHO.

Reuters

Trong ngày 15.5, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) khẳng định nước này có thể hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đối với vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất là vào tháng 7. Phó chủ tịch NHC Zeng Yixin cho biết các cuộc thử nghiệm trước đó đã thành công:
"Trong suốt nhiều thử nghiệm lâm sàng của các dự án này, đến hiện tại, chúng tôi không nhận được bất kì báo cáo nào cho thấy có phản ứng bất lợi với vắc xin. Trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên và thứ hai, chúng tôi không phát hiện phản ứng bất lợi. Nếu mọi thứ thuận lợi đúng kế hoạch, các dự án trên sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 2 vào tháng 7".
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sớm nhất cũng phải đến tháng 1.2021 thế giới mới có thể có những loại vắc xin ngừa Covid-19 đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Cũng tại cuộc họp báo hôm 15.5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom khuyến nghị các bác sĩ lưu ý một hội chứng viêm hiếm tương tự bệnh Kawaski ở các bệnh nhi nhiễm Covid-19. Nhiều nhà nghiên cứu tin virus corona đã kích ứng gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, vì không phải bệnh nhi Covid-19 nào cũng thể hiện triệu chứng, các nhà khoa học đang nghiên cứu mối liên hệ giữa Covid-19 và hội chứng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.