WHO: Dịch Covid-19 không sớm chấm dứt, châu Á-Thái Bình Dương phải sẵn sàng ngăn lây lan mạnh trong cộng đồng

01/04/2020 13:39 GMT+7

Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước châu Á - Thái Bình Dương chuẩn bị đối phó với nguy cơ Covid-19 lây lan quy mô lớn trong cộng đồng vì dịch bệnh ở đây sẽ không sớm chấm dứt.

Hôm 31.3, ông Takeshi Kasai - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo rằng tất cả các nước châu Á - Thái Bình Dương vẫn đối mặt với nguy cơ cao về dịch Covid-19.
Ông Kasai phát biểu: “Chúng tôi vẫn không biết cuộc chiến chống Covid-19 này sẽ kéo dài bao lâu. Có nhiều người trên khắp thế giới vẫn đang cố gắng hết sức suốt 24/7 chiến đấu với dịch bệnh, nhưng virus này có thể sẽ không biến mất vào tuần tới hoặc thậm chí tháng sau.”

Người dân tại thủ đô Hà Nội (Việt Nam) ngồi chờ được xét nghiệm Covid-19 tại một trung tâm xét nghiệm dã chiến hôm 31.3

Reuters

Theo ông, các biện pháp giảm lây nhiễm sẽ giúp các nước có thời gian chuẩn bị đối phó với khả năng xảy ra lây lan quy mô lớn trong cộng đồng. Ông cho biết không có cách tiếp cận chuẩn mực nào để chuẩn bị ứng phó cho tình huống khẩn cấp như thế này, nhưng có một chiến thuật hiện khá phổ biến ở nhiều quốc gia.
“Đó là: phát hiện, cách ly và xét nghiệm sớm các trường hợp, nhanh chóng truy tìm và cô lập tiếp xúc, và triển khai nhiều biện pháp can thiệp y tế công cộng để tăng khoảng cách vật lý giữa mọi người, làm chậm sự lây lan của virus, đồng thời huy động và thúc đẩy cộng đồng bảo vệ bản thân và những người dễ bị tổn thương nhất”, ông Kasai nói.

Công nhân thực hiện khử trùng đường phố tại khu Chinatown ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) hôm 30.3

Reuters

 
“Ngay cả với tất cả các biện pháp này, rủi ro sẽ không biến mất chừng nào đại dịch còn tiếp diễn. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể cho chúng ta thêm thời gian quý báu để sẵn sàng cho khả năng lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn”.
Ông Kasai kêu gọi các nước có số ca nhiễm giảm chưa nên dỡ bỏ bớt các biện pháp đối phó. Về tình hình Covid-19 tại Philippines, chuyên gia Matthew Griffith của WHO cho biết các trường hợp tử vong tại nước này không liên quan đến tình trạng thiếu máy thở. Ông cho biết dự kiến Philippines sắp tăng cường xét nghiệm Covid-19 trong những ngày tới.

Phòng tập thể dục của một trường Công giáo ở Manila đã được chuyển thành nơi trú ẩn tạm thời cho người vô gia cư Philippines giữa dịch Covid-19

Reuters

Philippines ghi nhận 88 ca tử vong vì Covid-19, cao thứ 2 tại Đông Nam Á sau Indonesia, cùng 2.084 ca nhiễm. Theo ông Griffith, Philippines có tỷ lệ tử vong cao là do đến nay cơ quan chức năng chỉ xét nghiệm những trường hợp có triệu chứng bệnh nặng.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Y tế Myanmar Khin Khin Gyi xác nhận ca Covid-19 tử vong đầu tiên, hơn một tuần sau khi nước này xác nhận ca nhiễm đầu tiên, nay đã lên con số 15.

Một bệnh nhân Covid-19 qua đời được chôn tại khu tang lễ Pondok Ranggon ở thủ đô Jakarta (Indonesia) hôm 30.3

Reuters

Cũng trong hôm 31.3, giới chức y tế Thái Lan ghi nhận thêm 1 ca Covid-19 tử vong và 127 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và tổng số ca nhiễm ở nước này lần lượt lên 10 và 1.651, theo tờ Bangkok Post.
Số ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 ở Indonesia tính đến sáng 1.4 đã tăng lên 1.528, trong đó có 136 ca tử vong, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.