Trung Quốc hoàn thành hệ thống định vị Bắc Đẩu, cạnh tranh với Mỹ, Nga và EU

24/06/2020 10:49 GMT+7

Hôm 23.6, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu , nhằm cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ.

Sau nhiều thập niên, Trung Quốc đã hoàn thành dự án không gian khi đưa vệ tinh cuối cùng của mạng lưới định vị Bắc Đẩu lên quỹ đạo hôm 23.6, cạnh tranh với hệ thống định vị GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của EU.
Bắc Kinh bắt đầu phát triển mạng lưới này vào những năm 1990 nhằm giúp quân đội dần dần thoát khỏi công nghệ của Mỹ, đảm bảo an toàn hoạt động liên lạc quân sự và cải thiện mức độ chính xác các loại vũ khí của nước này, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một mô hình của hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu được trưng bày tại một triển lãm ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) ngày 23.4.2019

Reuters

Hiện dịch vụ Bắc Đẩu được hàng triệu thiết bị di động dùng để định vị như tìm các nhà hàng, cây xăng, rạp hát… ở khu vực lân cận, dẫn đường cho taxi, tên lửa hay giúp các thiết bị bay không người lái định vị. Tính đến năm 2019, hơn 70% số điện thoại di động tại Trung Quốc được cài đặt định vị Bắc Đẩu, bao gồm các thiết bị của Huawei, Oppo, Xiaomi, Vivo và Samsung.
Theo truyền thông Trung Quốc, khoảng 120 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan và Pakistan, đang sử dụng dịch vụ của Bắc Đẩu để theo dõi lưu thông tại cảng, hướng dẫn chiến dịch cứu hộ trong thảm họa và các ứng dụng khác. Nhiều quốc gia trong số đó tham gia vào dự án Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm liên kết Trung Quốc với châu Á, châu Âu và xa hơn với các dự án quy mô lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.