Triều Tiên sở hữu thiết bị hạt nhân thu nhỏ có thể gắn lên tên lửa đạn đạo

05/08/2020 09:00 GMT+7

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 3.8 cáo buộc Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân bất chấp cấm vận. Theo báo cáo, nhiều quốc gia tin rằng Bình Nhưỡng có khả năng phát triển các thiết bị hạt nhân có thể gắn lên tên lửa đạn đạo.

Báo cáo này cho rằng 6 vụ thử hạt nhân gần nhất giúp Triều Tiên đạt bước tiến trong việc tạo ra các thiết bị hạt nhân nhỏ hơn, phù hợp với các đầu đạn của tên lửa đạn đạo. Đại diện Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc chưa bình luận về báo cáo trên.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định sẽ không còn chiến tranh khi các vũ khí hạt nhân đảm bảo tương lai an toàn của nước này trước các mối đe dọa quân sự và áp lực từ bên ngoài.
Triều Tiên chịu sự cấm vận từ Liên Hiệp Quốc vì chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này từ năm 2006. Liên Hiệp Quốc liên tục tăng cường cấm vận Triều Tiên nhằm khiến nước này giảm phát triển các chương trình này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Reuters

Từ tháng 9.2017, Bình Nhưỡng đã không thử nghiệm hạt nhân, trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore vào năm 2018.
Cũng trong năm 2018, Triều Tiên cho nổ các đường hầm tại Punggye-ri, bãi thử hạt nhân chính của nước này. Bình Nhưỡng khẳng định đây là bằng chứng thể hiện cam kết chấm dứt thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên không cho phép các chuyên gia chứng kiến cảnh phá hủy bãi thử này.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho rằng vì không có dấu hiệu Triều Tiên đã phá hủy hoàn toàn bãi thử, một quốc gia giấu tên khẳng định Triều Tiên có thể tái xây dựng và lắp đặt cơ sở cần thiết để thực hiện một vụ thử hạt nhân trong vòng 3 tháng.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng cho biết Triều Tiên đang vi phạm các lệnh trừng phạt bằng việc “xuất khẩu than qua đường hàng hải trái phép”, dù hiện hoạt động này đã tạm ngưng do khủng hoảng dịch Covid-19.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau 3 lần từ năm 2018. Tuy nhiên, cả hai bên không đạt nhiều tiến triển cả trong việc vận động Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân lẫn yêu cầu chấm dứt cấm vận từ Triều Tiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.