Toàn cầu ghi nhận số ca Covid-19 vượt 5 triệu ca, nghiên cứu vắc xin có tiến triển mới

22/05/2020 09:32 GMT+7

Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến sáng 22.5.2020, cả thế giới đã ghi nhận hơn 5 triệu người nhiễm Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, trong đó có ít nhất 332.425 người tử vong. Trong số các ca nhiễm Covid-19, đã có hơn 1,948 triệu ca hồi phục hoàn toàn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua 21.5 cho biết trong ngày 20.5 có hơn 106.000 ca nhiễm mới khắp thế giới, mức kỷ lục được ghi nhận trong một ngày kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối năm ngoái, theo AFP.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. “Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải vượt qua trong đại dịch này”, ông Ghebreyesus nói.
Khu vực Mỹ Latin đã trở thành điểm nóng mới khi chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày gần đây và một số quốc gia phải khôi phục lệnh phong tỏa.

Người dân bản địa Brazil đeo khẩu trang tham gia biểu tình.

Reuters

Brazil chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 310.000 ca nhiễm (cao thứ 3 trên thế giới) và có hơn 20.000 người chết vì Covid-19. Dù vậy, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn giữ quan điểm cho rằng áp đặt lệnh phong tỏa là không cần thiết và ông xem Covid-19 chỉ là “bệnh cúm nhẹ”.
Trong khi đó ở Mỹ, đến sáng 22.5, nước này đã ghi nhận 1.576.542 ca nhiễm Covid-19 với ít nhất 94.661 ca tử vong, theo số liệu từ đại học Johns Hopkins. Tổng thống Donald Trump quyết tâm mở lại nền kinh tế trước cuộc bầu cử tháng 11, bất kể số ca nhiễm tiếp tục tăng. Tất cả 50 tiểu bang của Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại, nới lỏng lệnh phong tỏa với mức độ khác nhau kể từ ngày 20.5, nhưng thủ đô Washington D.C và vùng ngoại ô vẫn bị đóng cửa, theo tờ The New York Times.

Một gia đình tại Mỹ đeo khẩu trang thăm bảo tàng Elvis Presley tại bang Tennessee sau khi địa điểm này mở cửa trở lại.

Reuters

Trong khi đó, với số ca nhiễm mới và trường hợp tử vong giảm, các nước châu Âu dần nới lỏng phong tỏa. Liên minh Châu Âu (EU) lên kế hoạch khôi phục mùa du lịch hè vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết khách sạn có thể mở cửa trở lại từ ngày 15.6, các chuyến bay quốc tế sẽ được khôi phục từ ngày 1.7.
Chính phủ Ý cho phép sân bay hoạt động trở lại từ ngày 3.6, bao gồm cả chuyến bay quốc tế. Theo Reuters, số người tử vong vì bệnh Covid-19 trong vòng 24 giờ qua tại Ý tăng thêm 156 người. Như vậy, đã có 32.486 người tử vong vì Covid-19 tại Ý. Số người bị nhiễm Covid-19 tại Ý đến sáng 22.5 là hơn 228.000 người, tăng 642 ca trong vòng 24 giờ qua.

Sân bay tại Ý hoạt động trở lại hậu đại dịch Covid-19.

Reuters

Trong khi đó, chính phủ Nga hôm 21.5 cho biết nước này ghi nhận thêm 8.849 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại Nga lên 317.554 ca. Nga là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Đến sáng 22.5, Nga đã ghi nhận 3.099 ca tử vong vì Covid-19.
AP dẫn từ các tuyên bố và trang tin địa phương tại hơn 70 vùng của Nga đưa tin đã có ít nhất 9.479 nhân viên y tế của Nga nhiễm Covid-19 trong vòng 1 tháng qua và có hơn 70 người đã thiệt mạng vì đại dịch Covid-19.
Hiện thế giới vẫn đang chạy đua phát triển vắc xin phòng Covid-19. Kết quả thử nghiệm vắc xin nguyên mẫu trên khỉ công bố hôm 20.5 mang lại hy vọng mới. Các chuyên gia tại viện nghiên cứu ở TP.Boston (Mỹ) phát hiện hai con khỉ được tiêm vắc xin nguyên mẫu miễn dịch với virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19.

Có nhiều tiến triển lạc quan trong nghiên cứu phát triển vắc xin phòng Covid-19.

Reuters

Kể từ ngày 21.5, hơn 40.000 nhân viên y tế tại châu Âu, châu Phi, châu Á và Nam Mỹ bắt đầu tham gia cuộc thử nghiệm quốc tế do Đại học Oxford (Anh) dẫn đầu về hai loại thuốc chống sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine để xác định liệu chúng có thể giúp ngăn chặn Covid-19 hay không, theo Reuters. Nhu cầu về thuốc chống sốt rét tăng cao sau khi Tổng thống Trump tuyên bố ông đang dùng hydroxychloroquine để phòng ngừa Covid-19, bất chấp các chuyên gia y tế cảnh báo về tác dụng phụ nguy hiểm và khoa học chưa thể chứng minh công dụng chống lại virus corona chủng mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.