Toàn cầu có hơn 6,3 triệu người nhiễm Covid-19, 380.000 người chết

03/06/2020 10:00 GMT+7

Theo cổng thông tin Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến sáng 3.6.2020, toàn thế giới đã ghi nhận 6.340.811 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19, với 380.205 ca tử vong và hơn 2,7 triệu bệnh nhân đã hồi phục.

Đến cuối ngày 2.6, nước Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 1.830.066 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19, tăng 14.790 trường hợp so với một ngày trước đó và cho biết số ca tử vong đã tăng thêm 761 người lên tổng số 106.180.
Tình hình biểu tình bạo lực liên quan đến cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen không vũ trang tại thành phố Minneapolis vào ngày 25.5, gia tăng mạnh mẽ trong tuần qua, lan rộng đến hàng chục thành phố khắp nước Mỹ, bao gồm Los Angeles và New York - những khu vực bị dịch Covid-19 hoành hành.

Người biểu tình tụ tập sau giờ giới nghiêm trong một cuộc tuần hành phản đối cảnh sát tại thành phố New York (Mỹ) ngày 2.6

Reuters

Các cuộc biểu tình đang quy tụ hàng trăm, đôi khi hàng ngàn người có thể làm phức tạp thêm cho các kế hoạch tái mở cửa kinh tế tại Mỹ. Các chuyên gia y tế cho biết sự tiếp xúc gần, chạy, hò hét hoặc hô khẩu hiệu, có thể làm tăng khả năng lây nhiễm vì mọi người phát ra nhiều giọt dịch hô hấp trong những điều kiện này dù nhiều người có đeo khẩu trang và phơi nhiễm ngoài trời được cho là ít nguy hiểm hơn bên trong không gian kín.
Bộ Y tế Brazil tối 2.6 cho biết đã ghi nhận kỷ lục mới về số ca tử vong do virus corona gây dịch Covid-19 trong 24 giờ qua vì đại dịch ở quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh không có dấu hiệu chậm lại. Quốc gia này đã báo cáo thêm 28.936 trường hợp nhiễm virus và 1.262 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus corona tại đây lên 555.383 và 31.199 người chết.

Người biểu tình chống chính phủ Brazil mang khẩu trang xuống đường phản đối ở Manaus (Brazil) ngày 2.6

Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã thảo luận về nỗ lực nghiên cứu chung cho việc sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine như là phương thuốc dự phòng và điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Nhà Trắng cho biết hôm 2.6.
Cả hai nhà lãnh đạo “bày tỏ sự đánh giá cao về quá trình hợp tác lâu dài liên quan đến các vấn đề sức khỏe giữa hai nước”, Nhà Trắng nói, thảo luận về việc Mỹ giao 2 triệu liều thuốc gây tranh cãi cho Brazil và “nỗ lực nghiên cứu chung để giúp đánh giá thêm mức độ an toàn và hiệu quả của hydroxychloroquine cho cả điều trị dự phòng và điều trị sớm virus corona.”

Theo nhiều nghiên cứu, thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine có thể khiến bệnh nhân Covid-19 tử vong với tỷ lệ cao hơn

Reuters

Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng hydroxychloroquine có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn cho bệnh nhân Covid-19 và các nhà khoa học khuyên không nên sử dụng chúng để điều trị virus corona. Tuy nhiên, hiện các bệnh viện tại Brazil vẫn sử dụng thuốc cho các bệnh nhân Covid-19 nhẹ bất chấp các cảnh báo.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã trích dẫn một báo cáo được tổ chức Sức khỏe Cộng đồng Anh (PHE) công bố vào 2.6, cho thấy các yếu tố rủi ro lớn nhất khi mắc virus corona bao gồm tuổi tác, giới tính, sống trong thành phố và là người da đen hoặc dân tộc thiểu số.

Người dân vui chơi tại bãi biển ở Bournemouth (Anh) ngày 2.6

Reuters

Báo cáo của PHE cho thấy người da đen và châu Á tại Anh có nguy cơ tử vong cao hơn tới 50% sau khi bị nhiễm virus corona gây Covid-19, gây áp lực lên chính phủ trong việc vạch ra kế hoạch bảo vệ các cộng đồng có nguy cơ cao nhất.
Mặc dù báo cáo của PHE củng cố các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các nhóm dân tộc thiểu số có nguy cơ cao hơn nếu nhiễm virus, nhưng nó không đi kèm với lời khuyên cụ thể của chính phủ cho nhóm người này. Hiện tại, theo cổng thông tin Đại học Johns Hopkins, Anh ghi nhận 279.392 trường hợp nhiễm virus corona gây dịch Covid-19 với 39.452 bệnh nhân đã không qua khỏi.

Một phóng viên được đo thân nhiệt trước khi vào Phòng trưng bày Uffizi (Ý), nơi bị đóng cửa do sự bùng phát của dịch Covid-19

Reuters

Cơ quan bảo vệ dân sự Ý báo cáo số ca tử vong do dịch Covid-19 ở Ý đã tăng thêm 55 người trong ngày 2.6, so với con số 60 của ngày trước đó, trong khi số lượng các trường hợp mới hàng ngày đã tăng lên thêm 318 người. Tổng số người chết kể từ khi vụ dịch bùng phát hiện ở mức 33.530, cơ quan này cho biết, cao thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Anh. Trong khi đó, số lượng các trường hợp được xác nhận lên 233.515.
Kể từ ngày 3.6, chính phủ Ý sẽ cho phép người dân tự do di chuyển trên khắp toàn quốc, đây là điều khiến một số thống đốc khu vực đau đầu vì sợ rằng việc cho phép mọi người di chuyển không bị hạn chế ra khỏi vùng Lombardy có thể gây ra các ổ dịch mới ở các khu vực khác.

Người dân Hàn Quốc đi bộ tại khu mua sắm Myeongdong, thủ đô Seoul (Hàn Quốc)

Reuters

Hàn Quốc dự kiến các thử nghiệm lâm sàng về điều trị Covid-19 cho thuốc Celltrion sẽ bắt đầu ở châu Âu vào tháng 7 và nhắm đến mục tiêu đảm bảo nguồn cung thuốc lớn vào nửa đầu năm 2021. Celltrion - công ty dược phẩm sinh học có trụ sở tại Incheon (Hàn Quốc), cho biết phương pháp điều trị Covid-19 bằng thử nghiệm kháng thể đã chứng minh giảm tới 100 lần tải lượng virus của bệnh trong thử nghiệm trên động vật, và sẽ tiến đến mục tiêu bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở người vào cuối tháng 7.
Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Kwon Jun-wook cho biết “sẽ rất khó để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tại Hàn Quốc do số lượng ca mắc mới thấp và chúng tôi hiểu rằng các cuộc thảo luận đang được tiến hành với các nước châu Âu để thử nghiệm”. Cho đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận 11.541 trường hợp nhiễm virus với 272 ca tử vong và 10.446 bệnh nhân hồi phục.

Người dân theo đạo Hồi tại Indonesia tham gia cầu nguyện giữa các tấm màn ngăn cách bằng nhựa để ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19 tại Karanganyar, tỉnh Trung Java ngày 30.5

Reuters

Indonesia đã báo cáo thêm 609 trường hợp nhiễm virus mới trong ngày 2.6, nâng tổng số bệnh nhân tại quốc gia Đông Nam Á này lên 27.549, theo quan chức của bộ y tế Achmad Yurianto. Ông cũng thông báo có thêm 22 người chết liên quan đến Covid-19, nâng tổng số lên 1.663, trong khi có 7.935 bệnh nhân đã hồi phục.
Chính phủ Singapore đang chạy đua để xây thêm nhà ở cho khoảng 60.000 công nhân nhập cư vào cuối năm nay, vì họ đang tìm cách giảm mật độ người trong các ký túc xá đã dẫn đến sự bùng phát hàng loạt của dịch Covid-19.

Công nhân nhập cư băng qua đường tại đường Orchard, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở Singapore

Reuters

Chính phủ cho biết ký túc xá là một cách tiếp cận thực tế đối với người lao động nhập cư ở Singapore nhưng họ đang tìm cách cải thiện chỗ ở. Ngoài ra, chính phủ cũng đang thử nghiệm các tiêu chuẩn mới, bao gồm tăng không gian sống cho mỗi cư dân, giảm số giường trong mỗi phòng và giảm số người sẽ dùng chung nhà vệ sinh và phòng tắm.
Quốc gia có 5,7 triệu người này ghi nhận gần 36.000 trường hợp nhiễm virus corona, một trong những quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất ở châu Á, với 24 ca tử vong, phần lớn là do các khu ký túc xá chật chội, nơi chứa hơn 300.000 công nhân nhập cư chủ yếu là người Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.