Toàn cầu có hơn 150.000 người chết vì Covid-19, Mỹ chiếm gần 1/4 số ca

18/04/2020 09:58 GMT+7

Theo cổng thông tin đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến sáng 18.4, toàn thế giới ghi nhận 2.240.191 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 với 153.822 ca tử vong và 568.343 bệnh nhân đã hồi phục.

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 36.800 người, tăng thêm hơn 2.000 người chết trong ngày thứ 4 liên tiếp khi một số tiểu bang bắt đầu công bố thời gian biểu để dỡ bỏ các hạn chế nhằm mục đích giảm bớt đại dịch.
Số người chết tại bang California đã chạm mốc 1.000 người, trở thành bang thứ 8 tại Mỹ và là bang đầu tiên tại Bờ tây ghi nhận “kỷ lục buồn” này.

Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp báo về lực lượng đặc nhiệm virus corona hôm 17.4 ở Nhà Trắng (Mỹ)

Reuters

Tổng số trường hợp nhiễm virus corona chủng mới tại Mỹ cũng đã vượt mốc 700.000, tăng gần 30.000 trường hợp với một vài tiểu bang chưa báo cáo. Đây là ngày tăng thứ 3 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ ngày có mức tăng cao kỷ lục 35.715 trường hợp mới được báo cáo trong ngày 10.4.
Các trường hợp nhiễm virus và tử vong là không đồng đều trên cả nước Mỹ, với những nơi đông dân hơn như New York chiếm gần một nửa tổng số ca tử vong tại đây. Tổng thống Donald Trump nói rằng nước Mỹ dự kiến có thể chạm mốc tổng cộng 60.000 đến 65.000 ca Covid-19 tử vong.
Lệnh ở nhà đã khiến các doanh nghiệp đóng cửa, làm gián đoạn cuộc sống và làm suy giảm nền kinh tế, dẫn đến một số người biểu tình xuống đường để kêu gọi các thống đốc suy nghĩ lại về các hạn chế được áp dụng.

Một người đàn ông chơi đàn guitar bên ngoài căn hộ của mình cạnh một con kênh hoang vắng ở Venice khi Ý vẫn chịu lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19

Reuters

Chuyển sang châu Âu, số ca tử vong do dịch Covid-19 ở Ý đã tăng 575 trong hôm 17.4, tăng 50 ca so với con số 525 ngày trước đó, trong khi số ca mắc mới giảm nhẹ, xuống còn 3.493 trường hợp mới so với 3.786 trường hợp trước đó.
Tuy có sự tăng nhẹ về số ca tử vong và số trường hợp nhiễm nhưng tình hình dịch Covid-19 nói chung tại Ý đã có tính ổn định trong vòng 12 ngày qua. Và dù đã có chiều hướng đi xuống kể từ khi đạt đỉnh vào cuối tháng 3, nhưng xu hướng giảm vẫn là chưa đủ cho quốc gia đang áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong 6 tuần vừa rồi lơi lỏng.
Theo cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý, tổng số người chết kể từ khi dịch bùng phát vào 21.2 đã tăng lên tổng cộng 22.745, cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Số trường hợp nhiễm virus được xác nhận chính thức cũng đã tăng lên 172.434 người, cao thứ 3 toàn cầu sau Mỹ và Tây Ban Nha.

Người dân tại Barcelona (Tây Ban Nha) tổ chức nhảy múa cùng nhau tại ban công mỗi nhà hôm 17.4

Reuters

Theo Reuters ngày 17.4, khoảng 1 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 do các nhà khoa học Anh phát triển đang được sản xuất và sẽ đưa ra vào tháng 9, dù chưa qua bước thử nghiệm để xác định tác dụng.
Nhóm chuyên gia tại Đại học Oxford gọi vắc xin này là ChAdOx1 nCoV-19, một trong ít nhất 70 vắc xin đang được phát triển trên thế giới, trong đó có 5 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu trên người.
Các chuyên gia tại Đại học Oxford ngày 17.4 thông báo tuyển tình nguyện viên thử nghiệm giai đoạn 1, song song với việc “sản xuất mang tính rủi ro” trên quy mô lớn đang được tiến hành. Điều này có nghĩa là các liều thuốc được sản xuất số lượng lớn vẫn có khả năng vô dụng nếu thử nghiệm không chứng minh được hiệu quả.

Người dân tham gia lớp học thể dục bên ngoài nhà của mình cùng nhiều gia đình khác tại Chigwell (Anh)

Reuters

Có 3 đối tác sản xuất ở Anh, 2 tại châu Âu, 1 tại Ấn Độ và 1 tại Trung Quốc. Chi phí sản xuất ban đầu có thể lên đến hàng chục triệu bảng Anh. Theo giáo sư Anthony Costello tại Viện Y tế toàn cầu thuộc Đại học College London, Anh có thể sẽ ghi nhận đến 40.000 ca tử vong trong đợt dịch Covid-19 này.
Ông cảnh báo Anh “sắp đối diện với các đợt lây nhiễm mới”, đồng thời cho biết việc phát triển vắc xin là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống Covid-19. Tính đến sáng 18.4, Anh ghi nhận 109.769 ca nhiễm Covid-19, với 14.607 ca tử vong và 394 ca hồi phục.
Tại châu Âu, Tây Ban Nha vẫn là nước ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất với 190.839 ca, trong khi có 20.002 ca tử vong và 74.797 ca hồi phục.

Philippines đang tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên diện rộng

Reuters

Còn tại khu vực Đông Nam Á trong hôm 17.4, Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 25 người chết và 218 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lần lượt lên 387 và 5.878 ca, theo Reuters.
Cũng theo Bộ Y tế Philippines, trong ngày 17.4 có thêm 52 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, nâng tổng số ca hồi phục lên 487 ca. Tính đến ngày 16.4, Philippines là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á, nhưng đến hôm 17.4 vị trí này thuộc về Indonesia.
Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto thông báo nước này ghi nhận thêm 407 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 5.923, theo Reuters. Ông Achmad Yurianto cho biết thêm trong hôm nay có 24 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 520, cho thấy Indonesia vẫn là quốc gia có số ca Covid-19 tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.

Một người dân được đo thân nhiệt trước khi vào một tiệm kim hoàn để đổi tiền mặt ở Bangkok (Thái Lan) hôm 16.4

Reuters

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia ghi nhận 69 ca nhiễm mới, đánh dấu số ca nhiễm hằng ngày ở mức thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh vào ngày 18.3, nâng tổng số ca nhiễm lên 5.251, theo Reuters. Ngoài ra có thêm 2 người chết, nâng tổng số ca Covid-19 tử vong ở Malaysia lên 86.
Thái Lan, phát ngôn viên Taweesin Wisanuyothin của Trung tâm quản lý tình hình Covid-19 cho hay nước này hôm 17.4 ghi nhận thêm một người chết và 28 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và tổng số ca nhiễm lên lần lượt 47 và 2.700, trong đó có 1.689 ca hồi phục, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.