Tình báo Mỹ: Ít bằng chứng có tổ chức cực đoan kích động biểu tình bạo lực

04/06/2020 15:18 GMT+7

Trong một báo cáo tình báo nội bộ hôm 1.6, quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết hầu hết những vụ biểu tình bạo lực là do những kẻ cơ hội thừa cơ thực hiện và không có nhiều bằng chứng cho thấy các tổ chức cực đoan đứng sau tình hình bất ổn.

Tổng thống Donald Trump lên án các tổ chức cực đoan cực tả kích động cướp bóc và bạo lực tại nhiều thành phố khắp nước Mỹ. Ông Trump đã trực tiếp đề cập đến Antifa, một liên minh hành động chống Phát xít.
"Nước ta đang bị khống chế bởi những kẻ vô chính phủ chuyên nghiệp, bởi đám đông bạo lực, những kẻ đốt nhà, cướp bóc, tội phạm, những kẻ bạo loạn, đám Antifa", ông Trump nói.
Nhưng theo một báo cáo tình báo, không có nhiều bằng chứng cho thấy các tổ chức cực đoan đứng sau tình hình bất ổn. Trong một báo cáo tình báo nội bộ hôm 1.6, quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết hầu hết những vụ bạo lực là do những kẻ cơ hội thừa cơ thực hiện.

Biểu tình phản đối cái chết của người Mỹ da màu George Floyd ở Seattle.

Reuters

Nhiều người dân Mỹ xuống đường đòi công lý cho George Floyd, một người da màu tử vong sau khi bị một cảnh sát da trắng dùng đầu gối đè cổ xuống đất trong gần 9 phút. Trong những ngày sau đó, các cuộc biểu tình ôn hòa biến dạng thành tình trạng cướp bóc và nhiều cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát.
Tình hình căng thẳng hơn vào cuối tuần qua. Bộ trưởng Tư pháp cho rằng tình trạng bạo lực ở Minneapolis và các thành phố khác là do: "Một tổ chức vô chính phủ và cực đoan cánh tả, dùng chiến thuật như Antifa. Nhiều trong số đó đến từ ngoài bang để kích động bạo lực".

Người tham gia biểu tình và cảnh sát đụng độ tại Brooklyn (New York).

Reuters

Tuy nhiên, hai quan chức bộ Tư pháp cho biết ít có bằng chứng ủng hộ khẳng định trên. Ghi nhận của cảnh sát và tòa án tại nhiều thành phố đang xảy ra tình trạng bạo lực như Baltimore, Minneapolis và Washington cho thấy phần lớn những người bị cáo buộc tội gây bạo loạn, phá hoại và có hành vi bạo lực cuối tuần qua đều sống tại các thành phố này hoặc vùng ngoại ô gần đó. Tại Minneapolis, chỉ có 25 trong tổng số 321 người bị tạm giam từ ngày 26.5 có địa chỉ bên ngoài tiểu bang.
Theo kết luận của DHS, có một số bằng chứng dựa trên nguồn mở lẫn báo cáo của DHS cho thấy phong trào vô chính phủ Antifa có thể đã góp phần gây bạo lực. Quan điểm này được nhiều sở cảnh sát đồng tình.
Tại New York, các công tố viên truy tố 3 người sử dụng chất gây cháy tự chế để đốt xe cảnh sát, nhưng không xác nhận họ thuộc bất kì tổ chức nào. Báo cáo cùng lưu ý rằng những người theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng dùng mạng xã hội để châm ngòi căng thẳng giữa người biểu tình và lực lượng hành pháp bằng cách kêu gọi bạo lực chống lại cả hai nhóm này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.