Sức mạnh quân sự của Nga tại Bắc cực được tăng cường ra sao?

25/04/2021 07:27 GMT+7

Bắc Cực là một vùng đất mới, đang thu hút các nước láng giềng đầy tham vọng. Nga là một trong số đó. Quốc gia này nhanh chóng lấp đầy khoảng trống bằng việc tăng cường hiện diện quân sự, thậm chí ở sát Alaska, cửa ngõ dẫn vào Mỹ - điều chưa từng xảy ra kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Chìa khóa chính là thế hệ siêu vũ khí mới như Poseidon, ngư lôi tàng hình động cơ hạt nhân có vận tốc hơn 193 km/h.
Theo các quan chức Nga, Poseidon được thiết kế để xuyên qua các hệ thống phòng thủ bờ biển của Mỹ và kích nổ một đầu đạn gây ra cơn sóng thần phóng xạ tấn công Bờ Đông với dòng nước nhiễm xạ.
Các chuyên gia nhấn mạnh loại vũ khí này “chắc chắn có thật”. Nó sẽ được thử nghiệm vào mùa hè này gần Na Uy.
Cơ quan tình báo Na Uy còn cảnh báo ngư lôi Poseidon có thể gây thiệt hại sinh thái nặng nề.

Ngư lôi Poseidon của Nga.

Chụp màn hình clip

“Nó đang trong giai đoạn thử nghiệm. Đây là một hệ thống chiến lược, nhắm vào nhiều mục tiêu, và nó có thể gây ảnh hưởng xa hơn nhiều khu vực mà họ hiện đang thử nghiệm nó. Nhưng đây là thứ mà chúng ta cần quan tâm và quan sát, để hiểu ra được ý nghĩa thực sự của nó là gì”, theo ông Nils Andreas Stensones, giám đốc Cơ quan Tình báo Na Uy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ về ngư lôi Poseidon và nhiều loại vũ khí mới khác như tên lửa siêu vượt âm Zircon hồi năm 2018. Nhưng khi đó, nhiều người cho rằng ông chỉ tưởng tượng
Tuy nhiên, quá trình tiếp tục phát triển và thử nghiệm khiến chúng trở nên mối đe dọa thực sự.
“Nga đang tạo ra một hình ảnh là quốc gia này phát triển các công nghệ mới. Và điều này, tất nhiên, gây bất ổn cho sự cân bằng chiến lược”, theo tiến sĩ Neil Melvin.
Nhưng đó chưa phải là tất cả kế hoạch của Nga. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã kiên trì tăng cường xây dựng các căn cứ dọc đường bờ biển phía bắc. Điều này đã được một quan chức ngoại giao Mỹ gọi là “thách thức quân sự".
Gần Alaska, tại đảo Providenya và Wrangel, hai trạm radar mới được triển khai và một nhóm chiến đấu cơ và máy bay ném bom phản ứng nhanh đóng ở Anadyr.
Tại Kotelny, một dải đất hẹp, một đường băng khổng lồ đang dần thành hình trong suốt 7 năm qua.
Và ở điểm cực bắc Nagurskoye này là một căn cứ khác, bắt đầu xuất hiện từ năm 2015. Các tòa nhà được trang trí theo màu của quốc kì Nga. Nagurskoye và sân bay Rogachevo gần đó đều chứa các máy bay Mig-31 mới.

Hình ảnh vệ tinh tại sân bay Nagurskoye của Nga

MAXAR TECHNOLOGIES

Xa xa ở phía tây của Olenya Guba, trên bán đảo Kola, các chuyên gia cho rằng trong 4 năm qua Nga đã dần dần xây dựng một cơ sở chứa hệ thống kho chứa ngư lôi Poseidon.
Nick Paton Walsh, biên tập viên mảng an ninh quốc tế của CNN nhận định: “Nga đã đặt mục tiêu trở thành cường quốc ở Bắc Cực trong nhiều năm, và đang tiến dần đến mức biến điều đó thành sự thực. Chắc chắn đây là đường bờ biển của Nga nhưng các quan chức Mỹ đã thể hiện lo ngại về việc tăng cường xây dựng này không chỉ để phòng thủ mà còn để bung sức mạnh ra xa hơn, thậm chí là đến tận cực bắc”.
Có rất nhiều tài nguyên để khai thác dưới lớp băng tuyết ở Bắc Cực. Hồi tháng 1.2021, Nga lần đầu tiên công bố đoạn video quay cảnh một tàu vận tải lần đầu tiên nghiến qua lớp băng tuyết dày đặc ở phía đông để giao dịch hàng hóa dọc theo bờ biển phía bắc.

Tàu vận tải Nga nghiến qua lớp băng tuyết dày đặc ở phía đông để giao dịch hàng hóa dọc theo bờ biển phía bắc.

Chụp màn hình clip

Đây có thể là nguồn thu lợi nhuận cho Điện Kremlin khi có thể cắt ngắn thời gian hành trình từ châu Á đến châu Âu xuống còn gần một nửa so với đường qua kênh Suez.
Sự phát triển của Nga ở Bắc Cực đóng vai trò cực kì quan trọng đến sự sống còn của kinh tế Nga, nhưng nó cũng mang một tầm nhìn vô cùng tham vọng: chuyển đổi đường biển phía bắc thành ‘kênh đào Suez thứ hai’ như Tổng thống Putin đã từng nói”, theo bà Heather Conley thuộc Viện CSIS.
Nhiều quan chức Mỹ đã tỏ ra lo ngại khi Nga hiện đã yêu cầu các tàu sử dụng thủy thủ đoàn của Nga và phải xin giấy phép để đi trên tuyến đường này.
Mỹ và các đồng minh cũng nhanh chóng có câu trả lời. Các máy bay ném bom B-1 Lancer đã xuất kích từ Na Uy. Và hải quân Mỹ thường xuyên tổ chức huấn luyện ở phía bắc Na Uy.
Cuộc đua đột ngột nóng lên tại nơi suốt nhiều thế kỷ qua chỉ toàn băng tuyết, ngày càng quyết liệt hơn và ai đến trước sẽ giành quyền thống trị. Khi khí hậu ấm lên, cuộc đua lại càng máu me hơn để thống trị vùng đất mà chẳng ai nghĩ sẽ bị thống trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.