Mỹ phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6, Trung Quốc theo dõi sát sao

27/03/2021 08:03 GMT+7

Tờ South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc đưa tin việc không quân Mỹ mong muốn tái định hình hoàn toàn và tăng tốc phát triển các chiến đấu cơ trong tương lai có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng cường kế hoạch phát triển các máy bay thế hệ tiếp theo.

Theo một nguồn tin thân cận với dự án máy bay thế hệ tiếp theo của Trung Quốc, các nhà phát triển nước này đang theo dõi sát sao mọi chi tiết rò rỉ về chương trình Chiến đấu cơ thế hệ mới thống trị trên không (NGAD) của Mỹ.
Nếu được triển khai, NGAD sẽ tạo ra mạng lưới chiến đấu cơ, cảm biến và vũ khí tiên tiến với máy bay phản lựcmáy bay không người lái tự động phối hợp chiến đấu chứ không hoạt động đơn lẻ.

Một chiến đấu cơ thuộc chương trình Chiến đấu cơ thế hệ mới thống trị trên không NGAD của Mỹ.

AP

Tờ South China Morning Post dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết “Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch phát triển một loại máy bay thế hệ tiếp theo”.
Mỹ đã thông báo hai chương trình thế hệ mới: NGAD cho không quân và F/A-XX cho hải quân. Đây là kế hoạch dài hạn nhằm phát triển máy bay trên tàu thế hệ mới và cuối cùng là thay thế các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet hiện tại.
Hồi tháng 9.2020, không quân Mỹ đã tiết lộ mô hình đầy đủ của mẫu tiêm kích của chương trình NGAD. Đây là một trong ít nhất hai tiêm kích thế hệ thứ 6 do Mỹ phát triển nhằm duy trì ưu thế kỹ thuật của không quân Mỹ.

Tướng Mark Kelly, chỉ huy tác chiến trên không của quân đội Mỹ.

Tại hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Không quân Mỹ hồi tuần trước, Tướng Mark Kelly, chỉ huy tác chiến trên không, đã khẳng định không quân Mỹ cần phải sở hữu tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ mới nếu muốn cạnh tranh với Trung Quốc.
“Điều tôi không rõ là liệu nước Mỹ ta có đủ can đảm và tập trung để phát huy khả năng này trước khi đối tượng như Trung Quốc sử dụng nó để chống lại chúng ta hay không”, ông Kelly nhấn mạnh.
Chuyên gia quân sự Chu Thần Minh cho rằng các nhà phát triển máy bay Trung Quốc đang theo dõi sát sao nỗ lực tăng cường phát triển các tiêm kích mới của NGAD: “Trước khi có phương hướng cho các máy bay mới, Trung Quốc cần làm rõ thông số của các máy bay đổi thủ, gồm phạm vi tác chiến, tốc độ, tầm bay và khả năng không chiến khác để tham khảo”.
Theo ông Chu, Trung Quốc đã có thể phát triển chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến J-20, là vì thiết kế của nó dựa trên máy bay đổi thủ: tiêm kích chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.

Trung Quốc trình làng máy bay chiến đấu tàng hình J-20 trong một triển lãm hàng không ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông.

Reuters

Tiêm kích F-22 Raptor hoạt động từ năm 2005. Trong khi đó, J-20 của Trung Quốc ra mắt năm 2011 và chính thức gia nhập không quân Trung Quốc vào năm 2017.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thể sản xuất động cơ WS-15 dành riêng cho máy bay chiến đấu J-20 và vẫn phải sử dụng động cơ AL-31F của Nga và phiên bản động cơ trong nước WS-10C.
Còn ông Steve Burgess, chuyên gia về máy bay tại trường Cao đẳng Chiến tranh Hàng không Mỹ, cho biết NGAD nhằm phát triển máy bay chiến đấu mới cho thập niên 2020, củng cố vị thế lãnh đạo toàn cầu của quân đội Mỹ cũng như nới rộng khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo ông, công nghệ máy bay của Trung Quốc vẫn không thể đe dọa Mỹ.
Tuy nhiên, ông Tống Trung Bình, cựu sĩ quan của quân đội Trung Quốc, cho biết Bộ Quốc phòng nước này có nhiều lợi thế hơn Mỹ về vấn đề ngân sách.
Quốc hội Mỹ phê duyệt 904 triệu USD trong đề xuất 1 tỉ USD của không quân nước này trong năm tài khóa 2021, cho thấy sự chần chừ của giới nghị sĩ Mỹ. Trong năm 2020, không quân Mỹ nhận được 905 triệu USD tiền ngân sách.
“Nhờ áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ, cấp lãnh đạo Trung Quốc đã được khuyến khích tăng cường và huy động mọi nguồn lực, nhân lực để củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước”, theo ông Tống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.