Mỹ chính thức cấm TikTok và WeChat

19/09/2020 09:00 GMT+7

Ngày 18.9, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ cấm các giao dịch kinh doanh tại Mỹ liên quan đến WeChat và TikTok, hai ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc vào ngày 20.9.

Thông báo trên được đưa ra ngay trước khi Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ tuyên bố kết luận liệu chính phủ Mỹ có thông qua thỏa thuận giúp Oracle nắm thiểu số cổ phần của TikTok và trở thành "đối tác công nghệ đáng tin cậy" của công ty này tại Mỹ hay không.

Đây được cho là động thái quyết liệt của chính phủ ông Trump nhằm gây sức ép buộc TikTok phải hoàn toàn thuộc sở hữu của một công ty Mỹ.

Reuters

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố: "Theo chỉ đạo của tổng thống, chúng tôi đã thực hiện hành động quan trọng để chống lại hành vi độc hại của Trung Quốc nhằm thu thập dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ".
Thời điểm lệnh cấm có hiệu lực (ngày 20.9) cũng là thời điểm kết thúc thời hạn 45 ngày theo sắc lệnh của ông Trump, vốn buộc ByteDance phải bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho một công ty sở tại hoặc đối mặt với lệnh cấm hoạt động tại Mỹ.
WeChat, một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới, thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc Tencent.

Chính phủ Mỹ lên án các ứng dụng mạng xã hội này gây ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Reuters

Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, từ ngày 20.9, các công ty Mỹ bị cấm phân phối ứng dụng WeChat và TikTok. Hai cửa hàng ứng dụng lớn của Apple và Google sẽ phải gỡ 2 ứng dụng này khỏi thư viện.
Các công ty Mỹ cũng không được dùng WeChat "với mục đích chuyển tiền hoặc thanh toán tại Mỹ".
Ứng dụng TikTok vẫn sẽ được hoạt động, nhưng người dùng không thể nâng cấp hay bảo trì ứng dụng.
Thông báo mới cũng cho TikTok thời hạn đến ngày 12.11 để giải quyết các lo ngại an ninh quốc gia của phía Mỹ. Nếu không, đến ngày 12.11, các công ty Mỹ cũng không được cung cấp mạng internet và dịch vụ lưu trữ cho TikTok.

Lệnh cấm có ảnh hưởng khác nhau đối với TikTok và WeChat.

Reuters

Người dùng WeChat vẫn có thể sử dụng ứng dụng nếu vẫn còn trên thiết bị cá nhân, Tuy nhiên họ có thể gặp vấn đề vì WeChat sử dụng dịch vụ cung cấp dữ liệu của các công ty Mỹ. WeChat là ứng dụng phổ biến giúp người Mỹ có thể trao đổi với đối tác ở Trung Quốc.
Ngay sau khi lệnh cấm được thông báo, TikTok ra tuyên bố cho biết thất vọng và không đồng ý với Bộ Thương mại Mỹ.
TikTok khẳng định mình chỉ là một công cụ để mọi người giải trí, thể hiện bản thân và kết nối, đồng thời ứng dụng này cam kết minh bạch ở mức độ chưa từng có sau lệnh cấm “bất công” của Tổng thống Trump hồi tháng 8.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.