'Là trách nhiệm của chúng ta': Thủ tướng Đức - Pháp hồi sinh tinh thần đoàn kết của châu Âu

21/05/2020 19:39 GMT+7

Đây là một trong những bước đi quyết liệt nhất trong suốt 15 năm lãnh đạo nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel: đề xuất khoản tài trợ khổng lồ cho các nền kinh tế yếu hơn của Liên minh châu Âu.

Như nhiều lần trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron đang thống nhất giải pháp giúp kéo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Chiến lược này đánh dấu một trong những bước đi quyết liệt của bà Merkel trong 15 năm lãnh đạo nước Đức.
Tuy nhiên nhiều nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận cấp cao tiết lộ rằng mãi cho đến gần đây vẫn tồn tại nhiều căng thẳng và bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo Đức - Pháp. Từ hôm 9.4, các bộ trưởng tài chính đã đồng thuận kế hoạch giải cứu EU trị giá nửa nghìn tỉ euro. Nhưng khoản tiền trên vẫn là quá ít cho quá trình phục hồi dài hạn và bất đồng tiếp tục nổi lên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Reuters

Bà Merkel muốn kế hoạch phục hồi phải bao gồm các khoản cho vay ngắn hạn, có thể chi trả được. Bà phản đối đề xuất của ông Macron mà theo đó lần đầu tiên ràng buộc tất cả 27 quốc gia thành viên cùng chịu khoản nợ chung.
Tuy nhiên theo một quan chức EU, bà Merkel bắt đầu nhận ra rằng việc EU không hỗ trợ các nước thành viên tạo nên hình ảnh thiếu thiện cảm. Từ đó hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức bắt đầu bàn bạc với nhau.
Tuy nhiên, chính Tòa án Hiến pháp Đức để lộ quyết định của bà Merkel. Ngày 5.5, Tòa án Hiến pháp Đức ra phán quyết thách thức sự phụ thuộc của EU vào nguồn tiền của Ngân hàng Trung ương châu Âu để trợ giúp nền kinh tế của các thành viên yếu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel họp trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về kế hoạch cứu trợ kinh tế EU.

Reuters

Theo một nhà ngoại giao cấp cao, bà Merkel tuyên bố: "Việc đó là trách nhiệm của chúng ta, các chính phủ". Theo nhiều nguồn tin khác, bà Merkel từ bỏ lập trường phản đối việc gánh nợ chung để bơm tiền cho các nước thành viên khác khi nhận thức rõ ràng rằng chính EU đang gặp nguy hiểm.
Từ đó, bà đề xuất hành động quyết liệt: tài trợ tiền cho các nền kinh tế yếu hơn của EU. Ủy ban châu Âu cũng sẽ tự đề xuất kế hoạch riêng vào ngày 27.5, nhưng nồng nhiệt chào đón sáng kiến trên.
Nhưng kế hoạch của bà Merkel phải nhận được sự ủng hộ của 27 quốc gia thành viên châu Âu và lãnh đạo Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển đã khẳng định chỉ ủng hộ cho vay, không ủng hộ việc viện trợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.