Khép lại 'Bầu trời mở', Tổng thống Trump lại rút Mỹ khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng

22/05/2020 16:14 GMT+7

Ngày 21.5, chính phủ Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định rút khỏi một hiệp ước toàn cầu quan trọng, Hiệp ước Bầu trời Mở, và cáo buộc Nga là nguyên nhân vì đã vi phạm.

Hiệp ước Vùng trời mở (Open Skies Treaty) cho phép 35 quốc gia thành viên thực hiện những chuyến bay giám sát không vũ trang trên lãnh thổ lẫn nhau để xây dựng lòng tin. Hiệp ước này đã có hiệu lực từ năm 2002.
Mỹ cáo buộc Nga trong nhiều năm qua đã tìm cách vi phạm hiệp ước, hạn chế nhiều chuyến bay của Mỹ trên lãnh thổ Georgia kế cận và khu vực quân sự ở Kaliningrad. Tổng thống Trump lặp lại điều này hôm 21.5 khi được hỏi về quyết định rút khỏi hiệp ước, nhưng vẫn mở ra cơ hội đối thoại thêm.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần rút Mỹ ra khỏi các hiệp ước toàn cầu quan trọng.

Reuters

"Tôi nghĩ chúng ta có quan hệ rất tốt với Nga, nhưng Nga không tuân thủ hiệp ước, nên chúng ta sẽ rút ra cho tới chừng nào họ biết tuân thủ. Nhưng vẫn có một cơ hội tốt để bàn bạc thỏa thuận mới hoặc làm gì đó để đưa hiệp ước này trở lại như cũ", ông Trump nói.
Các quan chức Mỹ cũng cho rằng Nga đang sử dụng các chuyến bay qua lãnh thổ Mỹ và các nước châu Âu để nhận diện các công trình quan trọng của Mỹ từ đó có thể tiến hành tấn công nếu xảy ra chiến tranh.
Hôm 21.5, một thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định Nga không vi phạm hiệp ước và việc Mỹ rút đi sẽ gây ảnh hưởng cho tất cả thành viên. Các đồng minh NATO và nhiều quốc gia khác như Ukraine đã nhiều lần gây sức ép để Mỹ không rút khỏi hiệp ước. Quyết định của chính quyền ông Trump có thể khiến căng thẳng với các đồng minh gia tăng.

Máy bay Mỹ thực hiện nhiệm vụ trinh sát theo Hiệp ước Vùng trời mở.

Chụp màn hình BBC

Đây sẽ là lần thứ 3 ông Trump rút Mỹ khỏi một thỏa thuận lớn, được thiết lập nhằm giảm nguy cơ chiến tranh. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân tầm trung với Nga trong năm 2019. Năm 2018, Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran ký kết năm 2015. Tất cả cho thấy ông Trump có thể khiến Hiệp ước Vũ khí START mới đổ vỡ.
Đây là rào cản cuối cùng ngăn chặn Mỹ và Nga triển khai đầu đạn hạt nhân chiến lược không quá 1.550 đơn vị cho mỗi nước. Từ bỏ hiệp ước này có thể dẫn đến nguy cơ chạy đua vũ trang mà Trung Quốc cũng có khả năng tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.