Hơn 6.000 ca tử vong vì Covid-19 tại Ý, châu Âu mạnh tay chống dịch

24/03/2020 09:26 GMT+7

Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến sáng 24.3.2020, cả thế giới đã ghi nhận 378.287 người nhiễm Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra , trong đó có ít nhất 16.497 người tử vong.

Trong số các ca nhiễm Covid-19, đã có hơn 100.950 ca hồi phục hoàn toàn và được xuất viện. Đến nay, Covid-19 đã lây lan ra ít nhất 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số ca tử vong và ca nhiễm Covid-19 tại Ý, ổ dịch ở châu Âu, có dấu hiệu giảm nhẹ.
Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý, toàn nước này ghi nhận thêm 602 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 23.3, tỷ lệ tử vong tăng 11% nhưng là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 19.3, phần nào cho thấy xu hướng ca tử vong bắt đầu sụt giảm.

Quan tài những nạn nhân qua đời vì đại dịch Covid-19 tại Ý.

Reuters

Trước đó, Ý liên tiếp ghi nhận kỷ lục đau lòng về số ca tử vong vì Covid-19 trong 1 ngày cao nhất trên thế giới, với 651 ca tử vong trong ngày 22.3; 793 ca tử vong trong ngày 21.3 và 627 ca tử vong trong ngày 20.3.
Tính đến cuối ngày 23.3, Ý ghi nhận tổng cộng 63.927 ca nhiễm Covid-19. Trong khi đó, cả nước Ý đã có 7.432 ca hồi phục vào ngày 23.3.
Vùng Lombardy, tâm dịch tại Ý, ghi nhận thêm 320 ca tử vong trong ngày 23.3, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại đây lên 3.776.
Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm bệnh Covid-19 nhiều nhất sau Trung Quốc đại lục và Ý. Ngày 23.3, tổng số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại nước này lên đến 552 ca. Trong đó New York là tiểu bang có số ca tử vong cao nhất Mỹ với 157 trường hợp.
Đến nay đã có hơn 43.667 ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ. Trong ngày 23.3, Tổng thống Donald Trump cho biết đệ nhất phu nhân Melania Trump đã được xét nghiệm Covid-19, cảm thấy khỏe và đang đợi kết quả.

Đệ nhất phu nhân Melania Trump đang đợi kết quả xét nghiệm Covid-19.

Reuters

Trước đó, ông Trump, phó tổng thống Mike Pence và phu nhân Karen Pence đều nhận kết quả âm tính với Covid-19 sau khi xét nghiệm.

Khung cảnh Los Angeles sau lệnh hạn chế ra đường.

Reuters

Nhiều bang và thành phố tại Mỹ yêu cầu người dân tránh ra đường trừ những ngành nghề thiết yếu để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Tại các quốc gia châu Âu khác, số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 tiếp tục tăng. Tây Ban Nha là một trong số 4 quốc gia có ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới. Đến sáng 24.3, Tây Ban Nha ghi nhận 35.136 ca nhiễm Covid-19 trong đó có ít nhất 2.311 ca tử vong.
Chính phủ Tây Ban Nha quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tới ngày 11.4. Lệnh tình trạng khẩn cấp, đã được áp đặt từ ngày 14.3, cấm người dân đi lại trừ những trường hợp cấp bách.
Đến sáng 24.3, Pháp đã ghi nhận 20.123 ca nhiễm Covid-19 trong đó có ít nhất 862 ca tử vong. Pháp siết chặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Pháp.

Reuters

Tại Pháp, những ai vi phạm lệnh phong tỏa có thể bị phạt từ 135 - 3.700 euro (4,5 - gần 95 triệu đồng). Người tái phạm sẽ lãnh án 6 tháng tù, theo Deutsche Welle.
Đức cấm tụ tập nhiều hơn 2 người tại nơi công cộng, theo Bloomberg. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình không nằm trong quy định này. Đến nay, Đức đã có 29.056 ca nhiễm Covid-19 với 123 ca tử vong.

Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19 tại Munich (Đức).

Reuters

Bayern (Bavaria) là bang đầu tiên của Đức ban hành lệnh hạn chế ra khỏi nhà từ ngày 21.3. Người dân Bayern được phép đi làm, đi khám bệnh, mua nhu yếu phẩm cần thiết. Siêu thị vẫn mở cửa song có đặt kính chắn tại nơi thu tiền, khách hàng giữ khoảng cách ít nhất 2 m. Những trường hợp vi phạm, đặc biệt gây nguy hiểm cho cộng đồng, có thể bị phạt lên tới 25.000 euro (620 triệu đồng), theo Đài Deutsche Welle.
Tờ The Guardian hôm qua dẫn lời Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo nước này có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng như Ý, nếu người dân không tuân thủ khuyến cáo về giữ khoảng cách xã hội an toàn, ít nhất là 2 m. Mọi địa điểm giải trí công cộng đã bị đóng cửa.

Một người dân Anh theo dõi cuộc họp báo về công tác đối phó dịch Covid-19 của Thủ tướng Boris Johnson.

Reuters

Anh đến nay đã ghi nhận 6.726 ca nhiễm Covid-19, trong đó có ít nhất 336 ca tử vong.
Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo 1,5 triệu dân thuộc nhóm dễ tổn thương vì Covid-19 nên ở yên tại nhà trong 12 tuần. Nhóm này bao gồm bệnh nhân ung thư, ghép tạng và người mắc vấn đề hô hấp nặng.
Tại Iran, đến sáng 24.3, đã ghi nhận 23.049 ca nhiễm Covid-19 trong đó có ít nhất 1.812 ca tử vong.
Một quan chức ngoại giao EU cho biết EU sẽ gửi gói viện trợ nhân đạo trị giá 20 triệu Euro đến Iran, để hỗ trợ cho công tác ứng phó dịch Covid-19 tại nước này.

Xịt sát khuẩn chống dịch Covid-19 tại Iran.

Reuters

Trước đó, Iran đã từ chối nhận viện trợ từ Mỹ. Tổng thống Hassan Rouhani nói Mỹ nên gỡ bỏ các lệnh cấm vận nếu muốn giúp Iran ngăn chặn dịch Covid-19.
Trong ngày 23.3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo "đại dịch đang tăng tốc" sau khi chỉ mất 67 ngày để số ca nhiễm Covid-19 đạt mức 100.000 ca toàn cầu, mất 11 ngày sau đó để đạt mức 200.000 ca và chỉ mất 4 ngày tiếp theo để số ca nhiễm vượt mức 300.000 ca.

WHO cảnh báo "đại dịch Covid-19 đang tăng tốc".

Reuters

Tuy nhiên, ông Tedros nhấn mạnh: "Chúng ta không thể đứng nhìn bất lực. Chúng ta vẫn có thể thay đổi quỹ đạo của đại dịch Covid-19. Giữ khoảng cách cộng đồng và khuyến nghị/bắt buộc người dân ở trong nhà chỉ là biện pháp phòng thủ. Để giành chiến thắng trước đại dịch Covid-19, chúng ta cần phải tấn công”.
Ông Tedros cũng cảnh báo việc sử dụng những loại thuốc “chưa được kiểm chứng” để điều trị Covid-19 sẽ dẫn đến những “hy vọng vô căn cứ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.