Hơn 167.800 ca nhiễm Covid-19 toàn cầu, châu Âu quyết liệt đối phó đại dịch

16/03/2020 09:37 GMT+7

Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến sáng 16.3.2020, trên toàn thế giới đã có 167.811 người mắc virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 và 6.471 người đã người tử vong.

Trong số các ca nhiễm Covid-19, đã có 76.856 ca hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.
Trung Quốc đại lục ghi nhận 81.015 ca nhiễm Covid-19 đến ngày 16.3, trong đó có 3.217 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ, Trung Quốc đại lục chỉ ghi nhận thêm 16 ca nhiễm mới, trong đó có 12 ca là người đến từ nước ngoài. Cũng trong vòng 24, Trung Quốc đại lục có thêm 14 ca tử vong mới, tất cả là bệnh nhân tại tỉnh Hồ Bắc, nơi bắt nguồn dịch Covid-19.

Người dân Trung Quốc vẫn thận trọng dù số ca nhiễm Covid-19 tại đây đã giảm mạnh.

Reuters

Tình hình dịch Covid-19 tại các quốc gia châu Âu - "tâm dịch" hiện tại - ngày càng diễn biến phức tạp.
Tại Ý, đến sáng 16.3 đã ghi nhận 24.747 ca nhiễm Covid-19. Số ca tử vong trong ngày 15.3 ghi nhận được tại Ý là 368 trường hợp, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại nước này lên đến 1.809.
Tại Anh, trong ngày 15.3, có thêm 14 người tử vong vì Covid-19 nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch tại nước này lên 35. Anh đã ghi nhận tổng cộng 1.395 ca nhiễm Covid-19 từ khi dịch bùng phát tại đây.

Người dân Anh đeo khẩu trang ngừa dịch Covid-19.

Reuters

Bộ Y tế Anh cảnh báo hàng triệu người dân nên ở nhà trong nhiều tháng để ngăn chặn virus corona lây lan. Bộ trưởng Matt Hancock cho biết Anh sắp thực hiện kế hoạch "ứng phó cộng đồng quy mô lớn" để chống chọi với đại dịch trong trường hợp cần thiết. Kế hoạch này sẽ tập trung vào đối tượng người dân trên 70 tuổi trong "vài tuần tới".
Tính đến hết ngày 15.3, Pháp có 120 người chết vì dịch Covid-19, toàn quốc ghi nhận 5.400 ca nhiễm trên toàn quốc, thêm khoảng 900 trường hợp có kết quả dương tính với virus corona mới trong vòng 24 giờ.
Tuy nhiên Pháp tổ chức vòng đầu tiên của cuộc bầu cử địa phương. Dự kiến số phiếu trắng sẽ tăng mạnh vì nhiều cử tri không đến phòng phiếu trước nguy cơ dịch bệnh.
Bộ trưởng Veran cho hay chính quyền Paris sẽ hội đàm với các cố vấn khoa học trong những ngày tới để quyết định có nên tổ chức vòng thứ hai hay không, dự kiến diễn ra vào ngày 22.3.
Tây Ban Nha trở thành quốc gia châu Âu thứ 2 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên hơn 7.840 trường hợp. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Tây Ban Nha đến nay là 289 trường hợp.

Xịt sát khuẩn phòng chống dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha.

Reuters

Tại Iran, tâm dịch Trung Đông, trong vòng 24 giờ qua ghi nhận thêm 100 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh tại đây lên 724 người. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Iran đến sáng 16.3 là 13.938 trường hợp. Giới lãnh đạo Iran lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến công tác đối phó dịch Covid-19 tại nước này trở nên khó khăn.
Tại Mỹ, đến sáng 16.3, đã ghi nhận 3.499 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 63 ca tử vong. Chỉ có 12 trường hợp trong tổng số các ca nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi hoàn toàn và xuất viện.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo đối phó dịch Covid-19.

Reuters

Các sân bay tại Mỹ hiện rơi vào tình trạng hỗn loạn vì siết chặt lệnh kiểm tra những hành khách quay về Mỹ từ châu Âu. Tổng thống Donald Trump đã công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách từ Anh và Ireland, bổ sung vào lệnh cấm hành khách đến từ châu Âu trước đó để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan tại Mỹ.
Liên quan đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, đang là tâm điểm tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ đã mang virus này vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Anthony Fauci, giám đốc Viện nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ vẫn khẳng định SARS-CoV-2 chắc chắn có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Hiện nguồn gốc của virus corona mới gây dịch Covid-19 vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.