Hi vọng về 'siêu vắc xin Covid-19' từ những người sống sót sau hội chứng SARS

17/09/2021 19:28 GMT+7

Một nghiên cứu mới cho thấy những người sống sót sau khi nhiễm bệnh SARS ở Singapore gần 20 năm trước có thể mang lại hi vọng phát triển một loại siêu vắc xin chống lại các biến thể của Covid-19 và thậm chí cả các virus corona khác.

Các nhà khoa học từ Trường Y Duke - NUS Singapore và Trung tâm Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NCID) tại Singapore đã tìm thấy “kháng thể chức năng mạnh” ở những người bị Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS) và được tiêm vắc xin Covid-19 của hãng Pfizer-BioNTech.
Trong phát hiện được công bố trên Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học cho biết những kháng thể  này “có khả năng vô hiệu hóa không chỉ tất cả các biến thể SARS-CoV-2 đã biết mà còn cả các loại virus corona khác có trên động vật, có khả năng gây nhiễm trùng cho con người”.
Gần 20 năm trước khi Covid-19 trở thành đại dịch thì dịch SARS đã tràn qua châu Á và nhiều nước khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Singapore đã ghi nhận 238 ca nhiễm SARS trong đợt dịch năm 2003, với 33 ca tử vong. Tổng cộng trên toàn thế giới có 8.096 người được chẩn đoán mắc bệnh từ cuối năm 2002 đến giữa năm 2003, trong đó 774 người tử vong.
Ngành y tế đã có thể khống chế được dịch SARS, nhưng Covid-19 lại chứng tỏ mình là một đối thủ “khó xơi” hơn nhiều. Kể từ khi được phát hiện vào cuối năm 2019, virus corona mới, có tên SARS-CoV-2, đã sinh ra nhiều đột biến, khiến việc dập tắt đại dịch càng thêm khó khăn.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ lại khó kiểm soát hơn gấp 10 lần so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu. Có tốc độ lây lan nhanh, biến thể Delta khiến chính phủ nhiều nước phải tái áp dụng các biện pháp ngăn chặn và các hạn chế khác.
Singapore, quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số của mình, đang dựa vào tỷ lệ tiêm chủng cao để cho phép nước này “sống chung với Covid-19”. Nhưng ở nhiều quốc gia khác, các trường hợp nhiễm Covid-19 dù đã tiêm đủ hai mũi làm dấy lên lo ngại rằng số lượng mũi tiêm hiện tại có thể là không đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng này hoàn toàn.
Phó giáo sư David Lye, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Đào tạo về Bệnh Truyền nhiễm của NCID, cho biết: “Các biến thể mới nổi đang được quan tâm đã chứng minh khả năng né tránh miễn dịch ở một mức độ nào đó đối với vắc xin thế hệ đầu tiên.”
Việc phát hiện ra các kháng thể ở bệnh nhân SARS được tiêm vắc xin Pfizer “có khả năng giải quyết vấn đề đó khi thế giới tiếp tục tiêm chủng để thoát khỏi đại dịch”. Các nhà khoa học cho biết “đây là lần đầu tiên phản ứng trung hòa chéo như vậy được chứng minh ở người”, làm tăng hi vọng phát triển một giải pháp hiệu quả hơn chống lại các virus corona khác nhau.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra một chiến lược mới để phát triển vắc xin thế hệ tiếp theo, không chỉ giúp chúng ta kiểm soát đại dịch hiện tại, mà còn có thể ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ đại dịch trong tương lai do các virus liên quan gây ra”.
Các phát hiện cho thấy rằng trước khi được chủng ngừa, những người sống sót sau dịch SARS không có hoặc có lượng kháng thể trung hòa Covid-19 mức độ thấp. Sau khi tiêm hai liều Pfizer, tất cả đều cho thấy mức độ kháng thể cao chống lại Covid-19, cũng như một phổ kháng thể rộng rãi chống lại 10 loại virus đường hô hấp khác.
Các nhà khoa học hiện đang tiến hành một nghiên cứu để phát triển một loại vắc xin thế hệ thứ ba chống lại các virus corona khác nhau, cũng như các kháng thể trung hòa rộng rãi để điều trị. Họ đang mời những cá nhân đã khỏi bệnh sau đại dịch SARS vào năm 2003 tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.