Đại dịch Covid-19: gần 400.000 người chết, Ấn Độ vượt Ý về số ca nhiễm

07/06/2020 10:36 GMT+7

Theo cổng thông tin Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến sáng 7.6.2020, toàn thế giới đã ghi nhận 6.855.858 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 , với 398.321 ca tử vong và hơn 3 triệu bệnh nhân đã hồi phục.

Hiện tại, Mỹ đã ghi nhận 1.919.430 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 với 109.719 ca tử vong. Tuy nhiên, hàng ngàn người biểu tình vẫn xuống đường tuần hành tại thủ đô Washington (Mỹ) trong hôm 6.6, khi các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ để phản đối sự bất bình đẳng chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát bước vào ngày thứ 12.
Các cuộc biểu tình đã được châm ngòi bởi vụ George Floyd, một người da màu không vũ trang ở thành phố Minneapolis, chết vì nghẹt thở do bị một sĩ quan da trắng quỳ trên cổ anh trong gần 9 phút. Kể từ đó, những người ủng hộ ở Mỹ và trên toàn cầu đã xuống đường với số lượng khổng lồ để đòi lại công bằng theo luật pháp.

Một cuộc biểu tình chống lại sự bất bình đẳng chủng tộc tại Washington (Mỹ) ngày 6.6

Reuters

Điều này gây ra lo ngại dịch Covid-19 sẽ lan rộng ra thêm khi người biểu tình đứng quá gần nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi những người biểu tình trên khắp thế giới cần đề phòng, khuyên họ nên giữ khoảng cách xã hội, thường xuyên rửa tay và tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng.
Bộ Y tế Mexico hôm 6.6 báo cáo, trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 3.593 trường hợp nhiễm virus corona mới được xác nhận và 341 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp nhiễm tại quốc gia này lên 113.619 trường hợp và số ca tử vong là 13.511. Chính phủ cho biết số người nhiễm bệnh thực sự có khả năng cao hơn đáng kể so với các trường hợp được xác nhận.

Nhân viên tang lễ di chuyển một số thi thể chết vì dịch Covid-19 từ một bệnh viện ở Mexico City (Mexico) ngày 5.6

Reuters

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cùng ngày đã bảo vệ động thái từ chối công bố một phần dữ liệu chính thức về quy mô của vụ dịch Covid-19 của chính phủ của ông. Trước đó, trong cuối ngày 5.6, Bộ Y tế Brazil đã gỡ xuống một trang web cho thấy sự phát triển của dịch theo thời gian và theo tiểu bang, đô thị.
Bộ này cũng đã ngừng báo cáo tổng số trường hợp nhiễm virus được xác nhận, hiện đã đạt 645.771 người – cao thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ, với tổng số người chết vượt qua mốc 35.000, cao thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Anh.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại lễ khánh thành một bệnh viện dã chiến tại Aguas Lindas de Goias, bang Goias (Brazil) ngày 5.6

Reuters

Ông Bolsonaro viết trên mạng xã hội Twitter rằng “Dữ liệu đó... không phản ánh tình trạng của Brazil. Các hành động khác đang được tiến hành để cải thiện việc báo cáo các trường hợp và xác nhận chẩn đoán.” Cả ông Bolsonaro và Bộ Y tế đều không đưa ra lý do cho việc gỡ trang web covid.saude.gov.br, vốn là tài nguyên công cộng quan trọng để theo dõi đại dịch. Trang vẫn xuất hiện với thông báo “đang bảo trì” vào trưa 6.6.
Chính phủ cũng đã đẩy lùi việc phát hành các chẩn đoán và tử vong hàng ngày, trước đó có sẵn vào khoảng 5 giờ chiều nhưng trong những ngày gần đây đến gần 10 giờ tối mới có. Hiện Brazil là quốc gia báo cáo số trường hợp nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 hằng ngày nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong 3 ngày liên tiếp trong tuần này.

Người dân vẫn vui đùa trên bãi biển Arpoador tại Rio de Janeiro (Brazil) bất chấp dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát

Reuters

Ấn Độ đã ghi nhận kỷ lục mới: 9.887 ca nhiễm virus corona trong một ngày vào ngày 6.6, chính thức vượt qua Ý để trở thành ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới, hai ngày trước khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, cho phép mở lại các trung tâm thương mại, nhà hàng và nơi thờ cúng.
Với tổng số trường hợp hiện đã tăng lên 246.622, Ấn Độ đang đứng sau Mỹ, Brazil, Nga, Anh và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch Covid-19 của Ấn Độ chỉ ở mức 6.946, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Người thân mặc đồ bảo hộ chuẩn bị chôn cất một người đàn ông chết vì Covid-19 tại một nghĩa địa ở New Delhi (Ấn Độ)

Reuters

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang dần nới lỏng lệnh phong tỏa 1,3 tỷ dân số áp dụng vào tháng 3, điều mà theo chính phủ đã giúp tránh sự gia tăng số ca nhiễm theo cấp số nhân. Các hạn chế sẽ được nới lỏng từ 8.6, nhưng một số chuyên gia lo lắng rằng nó quá sớm.
Giridhar R Babu, nhà dịch tễ học tại Quỹ Y tế Công cộng Ấn Độ, đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề mở lại các địa điểm tôn giáo. “Chúng ta có thể tồn tại và duy trì lợi ích mà không cần ... mở cửa các địa điểm tôn giáo trong một thời gian.” Trong khi đó, các buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao và các cuộc biểu tình chính trị vẫn bị cấm.

Công nhân mặc đồ bảo hộ khử trùng một phòng khách sạn tại Kolkata (Ấn Độ) trước khi mở cửa trở lại vào tuần tới

Reuters

WHO cho biết, việc phong tỏa của Ấn Độ đã giúp nước này giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh, nhưng vẫn có nguy cơ các trường hợp có thể tăng trở lại. Những người đến thăm nơi thờ cúng sẽ được yêu cầu rửa tay và chân, và sẽ không có sự phân phối của lễ vật thực phẩm, rảy nước thánh hoặc chạm vào tượng các vị thần và sách thánh.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đang lên kế hoạch nới lỏng các quy tắc về ăn uống ngoài trời và đám cưới, cũng như đẩy nhanh các kế hoạch đầu tư của chính phủ nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế từ dịch Covid-19 do virus corona gây ra.

Người biểu tình giữ xuống đường ở Quảng trường Quốc hội tại London (Anh), hưởng ứng các cuộc tuần hành tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd

Reuters

Tờ The Sunday Times cho biết ông Johnson muốn nới lỏng các quy định hạn chế ngăn chặn nhiều quán rượu, quán cà phê và nhà hàng sử dụng các khu vực bên ngoài, và cũng để tổ chức đám cưới bên ngoài một cách hợp pháp- điều hiện chỉ giới hạn đối với người Do Thái và tôn giáo Quakers.
Đám cưới trong nhà và đám tang có tới 10 người tham dự cũng sẽ được phép từ đầu tháng 7, trong khi những nơi thờ cúng sẽ được phép mở cửa trở lại cho người dân đến cầu nguyện riêng theo từng cá nhân kể từ ngày 15.6, sau khi đóng cửa hồi tháng 3 như một phần của lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19. Hiện Anh ghi nhận 286.294 trường hợp nhiễm virus corona với 40.548 ca tử vong.

Những người biểu tình của các phong trào chính trị cực hữu và những người hâm mộ bóng đá khó tính đối đầu với các sĩ quan cảnh sát tại Rome (Ý) ngày 6.6

Reuters

Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio cho biết hôm 6.6 rằng nước này hy vọng các quốc gia EU khác sẽ mở lại biên giới với công dân Ý vào ngày 15.6, khi các hạn chế đi lại vì dịch Covid-19 trên khắp châu Âu đang dần được nới lỏng. Ý - quốc gia có số người chết vì dịch cao thứ 4 thế giới - đã mở cửa cho các công dân EU khác vào ngày 3.6, nhưng hầu hết các nước châu Âu vẫn hạn chế đi lại với công dân Ý.
Ông Di Maio nói rằng ông hy vọng việc mở cửa biên giới sẽ được áp dụng cho những người từ khắp nơi ở Ý, bao gồm cả những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của dịch bệnh. Cho đến nay, Ý đã báo cáo khoảng 234.801 trường hợp nhiễm virus corona gây dịch Covid-19 và 33.846 ca tử vong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.