Cứ 20 người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu lại có 1 người Mỹ

07/12/2020 15:36 GMT+7

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19. Mỗi ngày Mỹ ghi nhận gần 190.000 ca nhiễm mới và cứ mỗi 20 ca tử vong trên toàn thế giới thì Mỹ lại chiếm 1 ca. Mới đây, bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách chống dịch Covid-19 ở Nhà Trắng, lại đưa ra nhiều cảnh báo về tình hình đại dịch tại Mỹ.

Bang California chuẩn bị phong tỏa chống dịch từ nửa đêm 6.12. Nhiều tiểu bang khác ở Mỹ cũng gấp rút áp đặt nhiều quy định hạn chế mới.
Bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách chống dịch Covid-19 ở Nhà Trắng, cho biết bà lo ngại về việc nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục giữ các suy nghĩ sai lầm về căn bệnh chết người này. Theo bà, tình trạng trên có thể làm suy yếu cách đối phó của Mỹ đối với khủng hoảng y tế đang ngày càng trở nên tồi tệ.

Bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách chống dịch Covid-19 ở Nhà Trắng.

Reuters

Trong chương trình “Meet the Press”, bà Birx bày tỏ sự thất vọng về các thông điệp hỗn loạn đến từ chính phủ Tổng thống Donald Trump, phản ánh trong nhận thức của người Mỹ về việc đeo khẩu trang, biện pháp giãn cách xã hội và các sự kiện siêu lây nhiễm.
Trong tháng 11.2020, chỉ có một nửa trong số 50 tiểu bang ở Mỹ kích hoạt các lệnh hạn chế chống dịch dù số ca nhiễm, ca tử vong và ca nhập viện đạt mức cao kỷ lục trên toàn quốc.

Mỹ bị cho là thiếu sự lãnh đạo quốc gia để kiểm soát đại dịch. Có 14 bang không có quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

Reuters

“Dọc Vành đai Mặt trời, có nhiều thống đốc và thị trưởng ở nhiều nơi có số ca nhiễm cao như hồi mùa hè nhưng họ không hề đưa ra các chính sách hoặc biện pháp ngăn chặn dịch như thời gian trước, mà họ biết là có thể giúp thay đổi tình hình đại dịch khắp miền Nam. Đây sẽ là sự kiện tồi tệ nhất mà quốc gia này phải đối mặt”, bà Birx cảnh báo.
Trong khi nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, chuyên gia dịch tễ học Anthony Fauci cho biết các trường học nên mở cửa trở lại trước các quán bar.
Trong khi đó, bác sĩ Moncef Slaoui, cố vấn trưởng trong chương trình phát triển vắc xin ngừa Covid-19 ở Mỹ, cho biết ông sẽ gặp Tổng thống tân cử Joe Biden trong tuần này, trước khi người Mỹ bắt đầu được tiêm những liều vắc xin đầu tên vào cuối tháng 12 này.
“Chúng tôi chưa gặp nhau. Tôi biết là chúng tôi sẽ có cuộc họp trong tuần này, và thực sự mong đợi vì mọi thứ đã được lên kế hoạch rất phù hợp”, ông Slaoui nói.

Mỹ sắp sửa phân phối hàng triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên cho người dân.

Reuters

Tuần trước, ông Biden đã chỉ trích kế hoạch phân phối vắc xin của “Chiến dịch thần tốc”, cho rằng đội ngũ của ông chưa được xem kế hoạch phân bổ vắc xin chi tiết cho nhiều tiểu bang, vốn là một quá trình khó khăn và đắt đỏ.
“Chúng tôi chưa được xem một kế hoạch chi tiết nào cả, về việc làm thế nào để lấy vắc xin ra khỏi một cái xe rồi tiêm vào cánh tay của một người”.
Ông Slaoui trả lời phỏng vấn chương trình “Face the Nation” của Đài CBS rằng kế hoạch vận chuyển vắc xin của chính phủ phải phụ thuộc vào các cơ quan y tế tiểu bang, vì vậy dễ gây lúng túng.

Đợt phân phối vắc xin đầu tiên dự kiến sẽ tiêm chủng khoảng 3,2 triệu người, con số rất nhỏ so với 21 triệu nhân viên y tế khắp nước Mỹ.

Reuters

“Tôi hy vọng rằng đội ngũ chuyển giao mới sẽ hiểu là mọi thứ đang được lên kế hoạch tốt. Nói thực là chúng tôi có cam kết đảm bảo những liều vắc xin này đến tay người dân Mỹ an toàn. Và sẽ làm mọi thứ có thể để khiến nỗ lực trên hoàn tất qua giai đoạn chuyển giao mà không bị gián đoạn”, theo ông Moncef Slaoui.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa nhận thất cử trước đối thủ Joe Biden trong kỳ bầu cử ngày 3.11, khiến quá trình chuyển giao quyền lực bị gián đoạn và đội ngũ cố vấn y tế Nhà Trắng không thể trao đổi với đội ngũ cố vấn y tế mới của ông Biden. Trong tuần này, ông Biden dự kiến ra mắt các thành viên của đội ngũ y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.