Các biến thể virus corona mới gây Covid-19 nguy hiểm đến đâu?

28/01/2021 22:56 GMT+7

Thông tin biến thể mới của virus corona gây đại dịch Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên ở phía nam nước Anh có thể dễ gây chết người hơn virus nguyên chủng khiến nhiều người lo lắng. Thực tế là, nếu không có thêm các bằng chứng xác thực, chúng ta không thể chắc chắn hoàn toàn về mối liên hệ giữa biến thể mới và nguy cơ gây tử vong.

Virus nào cũng sẽ có nhiều biến thể. Tỉ lệ xuất hiện biến thể của virus Sars-CoV-2 khá thấp so với nhiều loại virus khác, như cúm mùa.
Điều quan trọng hơn tỉ lệ đột biến chính là cơ hội xảy ra đột biến của virus. Càng có nhiều người nhiễm bệnh, virus sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển và thay đổi.
Hiện tại, đã có khoảng 100 triệu người mắc Covid-19 trên toàn cầu. Con số thực tế có thể cao hơn do nhiều người nhiễm không thể hiện triệu chứng. Mỗi người trong số đó mang nguy cơ tiềm tàng dẫn đến đột biến.

Một bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện Cascais (Bồ Đào Nha) hôm 27.1.

Reuters

Đó là lý do tại sao các nước phải nỗ lực giảm lây lan Covid-19 và ngăn chặn dịch lan rộng trong dân số.
Việc một biến thể virus có đáng ngại hay không dựa vào việc nó có dẫn đến 1 trong 4 đặc điểm quan trọng sau: Nó có ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm của virus hay không, mức độ hiệu quả của các xét nghiệm Covid-19, hệ miễn dịch của con người phản ứng với biến thể mới thế nào, và khả năng phát triển các triệu chứng bệnh nghiêm trọng.
Nếu một biến thể virus có khả năng truyền nhiễm cao, nó có thể lây lan bệnh cho nhiều người. Nếu một biến thể virus có thể tấn công hệ miễn dịch, nó có thể gây tái nhiễm cho những người từng nhiễm bệnh hoặc thậm chí người đã được tiêm vắc xin. Và nếu một biến thể có cả 2 đặc điểm trên, nó cực kì đáng ngại.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 bên ngoài bệnh viện Hoàng gia London.

Reuters

Hiện tại có 3 biến thể virus mới được phát hiện lần đầu ở Anh, châu Phi và Brazil.
B117 là biến thể virus được phát hiện lần đầu ở Anh, mang nguy cơ truyền nhiễm cao hơn 70% nhưng các loại vắc xin đang được tiêm chủng khắp nước Anh được cho là có khả năng chống lại biến thể này. B117 là nguyên nhân chính khiến số ca mắc Covid-19 ở Anh tăng vọt, hiện đã xuất hiện ở 64 quốc gia khác.
B1351 là biến thể virus được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. Ngoài việc biến thể này mang nguy cơ truyền nhiễm cao tương đương với biến thể được phát hiện ở Anh, nó còn có một đột biến khác có khả năng gây suy yếu hệ miễn dịch của con người. Đến nay, đã có ít nhất 27 quốc gia ghi nhận ca nhiễm liên quan đến biến thể B1351.

Biển hiệu kêu gọi người dân Anh tuân thủ các quy tắc chống dịch Covid-19 tại một nhà chờ xe buýt ở London (Anh).

Reuters

Biến thể thứ 3 lần đầu được phát hiện ở Brazil, có 2 đột biến liên quan đến khả năng truyền nhiễm và gây suy giảm hệ miễn dịch.
Hiện vẫn chưa rõ các loại vắc xin sẵn có hiện tại có thể chống chọi các biến thể virus mới ở mức độ nào.
Ngoài ra, việc nhiều người từng nhiễm Covid-19 ở Nam Phi và Brazil tái nhiễm với biến thể virus mới gây nhiều lo ngại. Huyết tương từ người từng nhiễm Covid-19 không thể trung hòa biến thể virus mới ở Nam Phi trong gần một nửa số thí nghiệm. Đây chỉ là dữ liệu ban đầu và vẫn cần thêm nghiên cứu để đưa ra kết luận cuối cùng.

Hành khách đến sân bay quốc tế Ben Gurion (Israel) đeo khẩu trang chống dịch Covid-19.

Reuters

Tuy nhiên, kết quả này thể hiện tầm quan trọng của việc giới hạn đi lại và mở rộng xét nghiệm, cách ly những hành khách mới đến một khu vực.
Thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tiêm chủng và lập trình mã gen của virus là hy vọng tốt nhất để giảm thiểu số ca nhiễm Covid-19 và bảo vệ cộng đồng. Sẽ không bao giờ có các biến thể cuối cùng, và Covid-19 sẽ tiếp tục khiến con người ngạc nhiên. Nhưng khả năng giảm tỉ lệ truyền nhiễm xuống gần mức 0 nhất có thể không phải là khó thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.