Biến chứng 'nấm đen' gây thêm tai họa cho bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ

14/05/2021 22:47 GMT+7

"Nấm đen" (nhiễm trùng nấm Mucor) đang gây thêm tai họa cho các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục ở Ấn Độ . Các bệnh viện tại quốc gia này đang ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm loại bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng có thể gây nguy hiểm chết người này.

Bệnh nhiễm trùng nấm Mucor dẫn đến khu vực quanh mũi người nhiễm sạm màu hoặc đổi màu, gây suy giảm thị lực hoặc nhìn một thành hai, đau ngực, khó thở và ho ra máu. Nhiều bệnh nhân mất thị giác hoàn toàn.
Chị dâu của Gopal hiện đang chống chọi với căn bệnh này.
"Chị dâu tôi đã hết nhiễm Covid-19, kết quả xét nghiệm của chị ấy đã âm tính nhưng sau 3,4 ngày chị ấy thấy đau đầu và nói là không thể thấy gì hết. Chúng tôi đưa chị ấy đến bệnh viện ở khu Junagadh, nhưng bác sĩ cho biết không thể điều trị cho chị ấy ở đây và yêu cầu chúng tôi đến Rajkot. Các bác sĩ ở Rajkot cho biết nấm đang lây lan rất nhanh và chị ấy cần mổ", Gopal cho biết.
"Nấm đen" có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường có thể trở nặng bởi các thuốc steroid - thường được dùng để điều trị những ca Covid-19 nặng. 

Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ.

Reuters

"Hệ miễn dịch yếu ớt hơn khi mới khỏi bệnh Covid-19. Các bệnh nhân bị tiểu đường, được dùng steroid trong thời gian dài điều trị Covid-19, hoặc được đưa vào khu chăm sóc tích cực, chứng "nấm đen" được phát hiện ở những người này vì hệ miễn dịch yếu", theo bác sĩ Sankit Shah ở bệnh viện Kiran.
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho biết các bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân tiểu đường và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại nên sớm theo dõi các triệu chứng, bao gồm đau xoang, tắc mũi ở một bên mặt, nhức đầu một bên, đau răng và lung lay răng.
"Nấm đen" không chỉ xuất hiện ở Ấn Độ. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết bệnh này phổ biến hơn tại đây. Ấn Độ có số lượng bệnh nhân tiểu đường cao, và nhiều người trong số họ có các triệu chứng khó kiểm soát.
Những ca bệnh "nấm đen" nặng có thể cần liệu pháp kháng nấm và phẫu thuật nhiều lần. Ấn Độ hiện chưa công bố dữ liệu toàn quốc về chứng "nấm đen" nhưng cho biết không có đợt bùng phát lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.