3 tháng đương đầu đại dịch Covid-19: các chính phủ đã chọn những chiến lược nào?

07/04/2020 09:18 GMT+7

Xuất phát từ Trung Quốc, bệnh Covid-19 đã lan ra khắp thế giới và trở thành đại dịch làm gần 70.000 người chết trong tổng số hơn 1.270.000 ca nhiễm. Trung Quốc, từ chỗ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nay đã qua đỉnh dịch trong khi châu Âu và Mỹ trở thành những tâm dịch mới. Các chính phủ đã dùng những hướng tiếp cận nào để đương đầu với dịch Covid-19?

Chính sách phong tỏa của Trung Quốc

Trung Quốc ban đầu đã phản ứng chậm, nhưng khi đã phản ứng thì hướng đi của họ rất quyết đoán và với một quy mô chưa từng có. Những biện pháp mạnh ứng phó dịch Covid-19 tại Bắc Kinh bao gồm phong tỏa hàng triệu người dân ở tỉnh Hồ Bắc và cưỡng chế phạt nặng đối với những người không hợp tác.
Cùng thời điểm đó, các ngành công nghiệp và sản xuất hàng hóa của nước này được chuyển sang tập trung sang sản xuất dụng cụ y tế.

Hàn Quốc: Xét nghiệm, cách ly

Hàn Quốc cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Nhưng dường như quốc gia này đã kiểm soát được bệnh dịch mà không cần áp dụng cách tiếp cận khắc nghiệt của Trung Quốc.
“Chúng tôi thấy rằng phong tỏa không phải là sự lựa chọn hợp lý”,  Kim Woo-Joo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Đại học Hàn Quốc nhận định.
Hàn Quốc thiết lập một chế độ xét nghiệm Covid-19 quyết liệt, với năng lực xét nghiệm khoảng 20,000 người một ngày. Xét nghiệm, kết hợp với việc theo dấu lịch trình và liên lạc của bệnh nhân, tiến hành nghiêm ngặt biện pháp cách ly và nâng cao sự hợp tác của cộng đồng, cho đến nay dường như vẫn có hiệu quả.

Chiến lược thay đổi giữa chừng của Anh

Có nhiều biện pháp đã được chính phủ Anh đưa ra. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã sớm chuyển tình hình đất nước từ giai đoạn “ngăn chặn” sang giai đoạn “làm chậm” dịch bệnh Covid-19.
Ông Johnson khi đó nói: “Bây giờ không chỉ là nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh càng lâu càng tốt nữa mà phải làm chậm sự lây lan và nhờ vậy giảm thiểu số ca nhiễm.”
Điều này có nghĩa là nước Anh thay vì chú trọng vào việc phát hiện sớm các ca nhiễm, họ đang cố gắng làm chậm lại tỉ lệ nhiễm bệnh để các nhân viên y tế có thể chữa trị kịp thời mà không bị quá tải.

Anh từng sử dụng phương pháp "miễn dịch cộng đồng" để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Reuters

Ngược lại, chuyên gia Patrick Vallance, Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh lại đề nghị phương pháp “miễn dịch cộng đồng” như là một giải pháp lâu dài cho đại dịch Covid-19.
Giả thuyết này cho rằng khi có đủ số người phục hồi sau khi nhiễm và miễn dịch cộng đồng tăng lên, nguy cơ lây nhiễm cho những người chưa có đề kháng tốt sẽ giảm. Nhưng ông Vallance thừa nhận rằng, để đạt được việc này, cần đến 60% dân số Anh nhiễm bệnh.
Đại học Hoàng gia London tính toán rằng chỉ với một sự lây lan có kiểm soát cũng có thể gây ra hơn 250,000 ca tử vong và làm quá tải hệ thống chăm sóc đặc biệt. Chính phủ hiện tại cũng đã chuyển từ cách tiếp cận ban đầu là hạn chế tiếp xúc xã hội tự nguyện sang về định hướng phong tỏa toàn bộ như hạn chế giao thông công cộng, chỉ cho phép các hoạt động thiết yếu tiếp diễn.

Hành động sớm

Ngoài Trung Quốc đại lục, chiến lược thành công nhất tập trung vào việc hành động sớm. Tại Đài Loan, chính quyền hành động tương đối nhanh chóng, gần như họ lập tức theo sát việc tiếp xúc của người dân, theo sau việc hạn chế tiếp xúc xã hội.
Ngược lại, nước Ý được xem một điển hình tệ nhất. Khi Covid-19 bắt đầu lây lan vào miền bắc nước này, chính quyền trung ương đã hành động quá chậm. Đầu tiên, Ý phong tỏa các thị trấn và vùng bị nhiễm bệnh. Khi việc đó không mang lại hiệu quả, các nhà lãnh đạo bắt buộc phong tỏa toàn quốc.

Xét nghiệm Covid-19 tại Ý.

Reuters

Quy định hạn chế tiếp xúc xã hội cũng được đưa ra, tương tự như những gì xảy ra tại Trung Quốc, và các nhà máy sản xuất mặt hàng không cần thiết ở Ý cũng phải đóng cửa. 

Mỹ: Liên bang "lệch pha" tiểu bang

Mỹ đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như thực hiện lệnh cấm di chuyển và hạn chế tiếp xúc xã hội để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Nhưng nhiều bang đang triển khai các biện pháp của riêng họ, độc lập với chính phủ liên bang. Bang California đã bắt buộc phong tỏa.

Một bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại New Orleans (Mỹ).

Reuters

Tại New York, Vệ binh Quốc gia đã giúp thiết lập một “khu vực ngăn chặn” 1 dặm xung quanh một vùng dịch ban đầu trong thị trấn New Rochelle. Nhưng ở cấp liên bang, phản ứng của chính phủ vẫn tiếp tục bị chỉ trích là quá chậm khi xét về năng lực tập trung truy tìm nguồn tiếp xúc, đảm bảo đầy đủ nguồn cung thiết bị và mở rộng xét nghiệm.

Khủng hoảng của Iran

Tehran đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó Covid-19, bao gồm tăng nơi khám bệnh, đóng cửa các trường học, bắt buộc hạn chế tiếp xúc xã hội và cố gắng hạn chế di chuyển nội địa. Nhưng quốc gia này vẫn chưa có khả năng xét nghiệm Covid-19 hay truy tìm nguồn tiếp xúc ở quy mô lớn như Hàn Quốc.

Sát khuẩn phòng chống bệnh Covid-19 tại Iran.

Reuters

Với việc Covdid-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng, số ca tử vong tiếp tục tăng trên toàn cầu, các quốc gia vẫn đang tìm ra cách thức tốt nhất để dập tắt khủng hoảng này. Vẫn còn nhiều hy vọng, dù đại dịch Covid-19 vẫn đang nhanh chóng lấy đi nhiều sinh mạng và làm quá tải hệ thống y tế và kinh tế trên toàn thế giới
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.